Thời sự 10/07/2019 14:39

Vì sao dân buôn đua nhau nhập hàng ngoại về đội lốt “made in Vietnam”?

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, nắm bắt được xu hướng người Việt ngày càng chuộng hàng Việt, nhiều doanh nghiệp nhập hàng bên ngoài về rồi gắn mác “made in Vietnam”…

Vì sao dân buôn đua nhau nhập hàng ngoại về đội lốt “made in Vietnam”? - 1

Nhiều mặt hàng ghi "Made in Vietnam" nhưng thực chất lại xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Đua nhau đội lốt hàng Việt – hiện tượng gian lận mới

Nhiều năm trở lại đây, một loạt các vụ “đội lốt” hàng Việt bị phát hiện. Việc giả mạo xuất xứ phổ biến từ các mặt hàng nông sản cho đến các mặt hàng như lụa, đồ điện tử…

Tại buổi làm việc nhằm triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gọi hành vi gian lận xuất xứ, đội lốt hàng Việt nói trên như một hiện tượng “mới”.

Theo người đứng đầu ngành công thương, trước đây, sản phẩm gian lận xuất xứ để tranh thủ lợi dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên hiện nay, gian lận xuất xứ hàng Việt nhắm ngay vào thị trường nội địa, việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng, ông Tuấn Anh cho biết.

“Câu chuyện nông sản đội lốt xuất xứ Đà Lạt chính là việc lợi dụng thương hiệu, tâm lý người tiêu dùng trục lợi. Vụ việc Asanzo vừa qua cũng là hiện tượng được phản ánh…”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới cũng không có quy định thế nào là sản phẩm được cấp chứng nhận sản xuất tại quốc gia đó.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trong một vài năm trở lại đây, cơ quan này đã phát hiện nhiều hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa nhưng nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ.

“Nhiều lô hàng hoá nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam nhưng bao bì xuất xứ made in Vietnam, hướng dẫn sử dụng, các thông số đều là chữ Việt Nam”, ông Linh cho biết.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Linh nói: Tháng 11/2018 cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện một lô hàng ổ khoá từ biên giới về nhưng ghi là “Made in Vietnam”.

Cũng vào thời điểm cuối năm ngoái, theo ông Linh, đã phát hiện vụ việc khoai tây Trung Quốc được đem lên Đà Lạt, trộn bùn đất và gắn mác khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ.

Ngoài ra theo lãnh đạo quản lý thị trường, còn nhiều mặt hàng khác có sự gian lận xuất xứ như dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng… Điều đáng nói, rất nhiều trong số những mặt hàng này bị phát phiện chứa độc tố hoặc có hàm lượng vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.

Sớm làm rõ khái niệm “made in Vietnam”

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh, phương thức gian lận xuất xứ hiện nay rất tinh vi, thường là luồn lách, sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên theo ông Linh là do “xu hướng người Việt ngày càng chuộng hàng Việt nhiều hơn”; thứ hai doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng.

Trước thực trạng trên, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất các giải pháp tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hậu kiểm, bên cạnh đó, cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang soạn thảo để làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như xuất xứ hàng hoá...

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đó là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Thực tế hiện nay đòi hỏi cần sớm làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, từ đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước cũng như chính cho các doanh nghiệp hoạt động...

Nguyễn Mạnh

Vì sao dân buôn đua nhau nhập hàng ngoại về đội lốt “made in Vietnam”? - 2

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *