Thời sự 12/07/2020 06:59

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và hai thuộc cấp bị khởi tố?

Đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm sau khi ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng) và ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng) bị khởi tố cuối tuần qua.

Tuần vừa qua là một tuần đầy ắp những thông tin đáng chú ý trong nền kinh tế, khiến công chúng đứng ngồi không yên, từ những tin tức vĩ mô đến thị trường, tài chính.

Ba cựu lãnh đạo ngành công thương bị khởi tố

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và hai thuộc cấp bị khởi tố? - 1

Các bị can: Vũ Huy Hoàng (ảnh to), Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng

Dồn dập trong hai ngày 10-11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra các quyết định khởi tố với hàng loạt bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 8/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, đối với:

Vũ Huy Hoàng, sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; Hồ Thị Kim Thoa, sinh năm 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phan Chí Dũng, sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do khiến ông Vũ Huy Hoàng lâm vào vòng lao lý hiện đã khá rõ. Được biết, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) rộng tới 6.000 m2 từng được Bộ Tài chính cho phép Sabeco (một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương) sử dụng để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công.

Tháng 2/2015, Sabeco hợp tác với một số doanh nghiệp khác, lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl với vốn điều lệ khoảng 567 tỷ đồng gồm các cổ đông Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh. Trong đó, Sabeco nắm giữ 26% vốn điều lệ.

Mục đích lập ra công ty này là để triển khai dự án Sài Gòn Mê Linh Tower với quy mô 3 tầng hầm, khối đế 9 tầng, 2 tháp cao 48 tầng và 36 tầng tại khu “đất vàng” nói trên. Nhưng đến tháng 6/2016, Sabeco đã thoái toàn bộ vốn khỏi Sabeco Pearl bằng cách bán đấu giá hơn 14 triệu cổ phần nắm giữ cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỷ đồng.

Quý 4/2017, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng vốn của Sabeco, đặc biệt là ở vụ thoái vốn khỏi Sabeco Pearl. Cơ quan kiểm toán kết luận Sabeco đã chuyển nhượng khu đất trên cho tư nhân với mức giá quá rẻ mạt so với giá trị thực.

Doanh nhân Nhật: "Ở Việt Nam, tôi đánh rơi cái gì cũng không sợ mất!"

Trong khi đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã mang lại những thông tin quan trọng và thú vị.

Tại sự kiện này, ông Sagara Hirohide, Giám đốc công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội) đã kể lại những câu chuyện vui, cảm động về môi trường an toàn của Việt Nam khi ông này sống và làm việc tại đây.

“Một lần tôi sơ ý bỏ quên ví của mình ở một quán phở, khi đi ra mua pin sạc dự phòng mới biết là mất điện thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông chủ quán phở này đã chạy theo tôi và đưa lại chiếc ví của tôi. Có thể nói, ở Việt Nam, tôi có đánh rơi gì cũng không sợ mất ”.

Ông Sagara cũng nhận định rằng, khi Trung Quốc gặp bất ổn, Việt Nam đang cho thấy là một điểm đến đầu tư tin cậy.

Vụ nhập 4,3 tỷ USD nhôm Trung Quốc: "Chưa đủ căn cứ nói gian lận xuất xứ"

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và hai thuộc cấp bị khởi tố? - 2

Cơ quan Hải quan cho biết chưa có căn cứ xác định số nhôm 4 tỷ USD Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ

Cụ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị hải quan Mỹ cho rằng gian lận xuất xứ C/O Việt Nam đối với hàng hóa là thép nhập từ từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ cho đến nay vẫn đang được công chúng dành sự quan tâm lớn.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng, Cục Kiểm tra Sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay quá trình điều tra cơ bản đã kết thúc, tuy nhiên, vấn đề vi phạm về xuất xứ của doanh nghiệp này chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm.

Cụ thể, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các nhôm này do điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thích hợp để xuất sang Mỹ. Do đó doanh nghiệp thực hiện sản xuất lại.

“Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi đó, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với nội dung này, với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm (vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam)”, ông Lộc nói.

“Siêu kho” buôn hàng rởm trên Facebook bị truy quét

Một kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai vừa bị Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An tấn công là thông tin gây sốc, gây chấn động thị trường tiêu dùng tuần qua.

Gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng của Tổng Cục quản lý thị trường đã ập vào kho hàng này, có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Hàng hoá ở đây chủ yếu là hàng giả và hàng lậu được vận chuyển bán khắp cả nước với khối lượng chốt tới hàng trăm đơn hàng mỗi ngày nhờ hoạt động livestream, bán hàng trên Facebook.

Chủ của kho hàng được cho biết là Trần Thành Phú, sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai cùng em gái của mình điều hành kho hàng.

Các mặt hàng tại kho này đều là: giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm .... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas...

Giá vàng “sốt xình xịch”, lập đỉnh 9 năm

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và hai thuộc cấp bị khởi tố? - 3

Giá vàng tăng lên mốc cao trong lịch sử, giao dịch trên thị trường sôi động (ảnh: Nguyễn Tuyền)

Tuần qua, diễn biến giá vàng đã khiến nhiều người dân đứng ngồi không yên.

Giá vàng liên tục tăng mạnh vượt mốc 50 triệu đồng/lượng và đến sáng ngày 9/7, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 50,08 triệu đồng/lượng (mua vào) - 50,33 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 50,09 triệu đồng/lượng - 50,32 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2011, giá vàng tăng lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Giới đầu tư thận trọng với thị trường chứng khoán và đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp được xem là những yếu tố khiến giá vàng tăng cao.

Ngoài ra, giá vàng tăng còn do dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư vàng tăng lên mức cao kỷ lục. Lượng tiền đổ vào các quỹ ETF này tính từ đầu năm đã cao hơn cả năm kỷ lục 2009.

Tuy nhiên sau đó, thị trường lại chịu áp lực chốt lời và giá vàng thế giới đã giảm mạnh và đã mất ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Theo đó, giá vàng SJC cũng tạm lùi xa mốc 51 triệu đồng/lượng.

 Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *