“Lạm phát tháng 11 sẽ tương đương tháng 10”

FICA - Trong tháng 10, CPI tăng 0,49% so với tháng 9, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm leo thang vì mưa bão, triều cường. Tuy nhiên trong tháng 11, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu nên chưa thể khiến CPI tăng mạnh.

Theo nhận định của Bộ Công thương, do bắt đầu vào mùa lạnh, nhu cầu thực phẩm, nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho dịp cuối năm tăng nên giá một số mặt hàng tiêu dùng, lương thực phẩm tăng và khiến giá hàng hóa có xu hướng tăng nhẹ.

Tuy nhiên, thời gian tới sức mua trên thị trường vẫn còn yếu nên nhu cầu chưa thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa thiết yếu) khá dồi dào và giá các mặt hàng nhiên liệu quan trọng như xăng dầu, gas tương đối ổn định nên mặt bằng giá nhìn chung chỉ biến động nhẹ.

Dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ tương đương tháng 10, theo Bộ Công thương.

 

Trong tháng 10, CPI tăng 0,49% so với tháng 9. Nhóm có mức tăng cao nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến CPI là nhóm thực phẩm (tăng 1,04%) – hậu quả của mưa bão và triều cường. Nhóm lương thực tăng cao hơn các tháng trước đây (tăng 0,91%) do tiêu thụ gạo được đẩy mạnh qua kênh xuất khẩu.

Các nhóm hàng hóa còn lại chỉ tăng từ 0,12-0,55%, riêng nhóm giao thông giảm 0,17% do giá xăng dầu giảm, nhóm bưu chính viễn thông giảm do các hãng viễn thông vẫn có nhiều chương trình khuyến mại.

Sau 10 tháng, CPI đã tăng 5,14 % so với tháng 12/2012. Trong các nhóm hàng, nhóm có mức tăng cao nhất vẫn là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,79%), tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 11,57% do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế và giáo dục. Các nhóm còn lại tăng từ 2,69-5,23%. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính giá (chiếm 39%) nhưng là chỉ tăng 3,93% (thấp hơn nhiều so với mức tăng chung).

Bộ Công Thương cho biết, vẫn đang tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều tiết cân đối cung - cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý, gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất nhập khẩu.

Cơ quan này cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho mùa mưa bão và chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Đã có 10/63 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *