VEPR đề xuất quốc hữu hóa ngân hàng kém lành mạnh

FICA – Để xử lý nợ xấu, VEPR cho rằng, cần đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN để lấy nguồn tài chính cung ứng vốn cho VAMC xử lý nợ xấu. Biện pháp quốc hữu hoá có thể được áp dụng cho các ngân hàng kém lành mạnh về tài chính, sau khi được tái cấu trúc có thể tiến hành bán phần tài sản NHNN đã mua.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, do tình hình căng thẳng tại biển Đông được kiểm soát, không gây hậu quả kéo dài và nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng và sản xuất của Việt Nam nên tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 5,8%.

Tuy nhiên, các yếu tố tổng cầu và các cải cách ở phía cung chưa đủ để kéo nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trung hạn.

Nền kinh tế còn nhiều hệ lụy

Nhóm nghiên cứu cho rằng, sự mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng sẽ còn kéo theo nhiều hệ luỵ, một trong số đó là đà giảm của lạm phát. Lạm phát năm 2014 có thể thấp dưới 4%, và nếu đà giảm còn duy trì trong năm 2015 thì sẽ kìm hãm nhu cầu. Và với thực tế này, người tiêu dùng có thể hạn chế chi tiêu hiện tại do kỳ vọng giá còn giảm thêm trong tương lai.

Tăng trưởng tiêu dùng sẽ ổn định quanh ngưỡng thấp trước khi chậm rãi đi lên khi những cải thiện trong thu nhập hình thành rõ ràng hơn, điều sẽ có được nếu khu vực chế biến chế tạo và chế biến lâm thuỷ sản tiếp tục mở rộng.

Hệ luỵ thứ hai là nhu cầu tiêu dùng thấp sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho khu vực DN trong nước, vốn đã phải cạnh tranh một cách không sòng phẳng với hàng nhập khẩu giá rẻ do tỷ giá thấp. Số DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động được thay thế bởi lớp DN mới hưởng lợi từ lãi suất thấp và môi trường vĩ mô ổn định hơn.

Theo đó, nhu cầu về lao động cho các nhà xưởng gia công và lắp ráp sẽ gia tăng vào cuối năm theo mùa vụ, do đó tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm nhẹ nhưng không có cải thiện về chất lượng việc làm hay năng suất lao động. Tình hình tồn kho và tiêu thụ sản phẩm như hiện tại sẽ cản trở khu vực tư nhân mở rộng đầu tư, còn lãi suất cho vay chỉ có ảnh hưởng hạn chế lên tín dụng vì điều kiện vay vốn không còn dễ dàng như trước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ duy trì trạng thái dè dặt và thận trọng trước khi nhà đầu tư nước ngoài phục hồi niềm tin về khả năng bảo vệ nhà đầu tư và mức độ an toàn của môi trường đầu tư trong nước. Đầu tư của khu vực Nhà nước khó bung ra mạnh vì quá trình tái cấu trúc đầu tư của DNNN và vốn ngân sách chịu ràng buộc bởi vốn vay.

Cũng theo đánh giá của VEPR, chi tiêu Chính phủ vẫn nằm ngoài khả năng kiểm soát của Quốc hội. Bội chi ngân sách có thể trong vòng 4,5-5% GDP, vượt quá mục tiêu giảm dần thâm hụt. Mức bội chi này khiến không gian chính sách chịu trói buộc vì thiếu nguồn tài chính cần thiết cho nhiều khoản đầu tư. Một trong số đó là nguồn tài chính cho VAMC xử lý nợ xấu. Để làm được việc này, mức bội chi phải giảm về 4%/năm cho đến 2020.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, năm 2014 có thể có xuất siêu tương đối lớn nhờ vào sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản và nguyên liệu thô của khu vực kinh tế trong nước. Thặng dư trên cán cân tổng thể và sự gia tăng tương ứng của dự trữ ngoại hối có thể vượt quá 12 tỷ USD cả năm. NHNN sẽ duy trì mua vào USD, cùng với hoạt động trung hoà bằng trái phiếu đối với tiền đồng, để giữ tỷ giá không làm bất lợi cho khu vực xuất khẩu. Xu hướng tăng giá VND so với USD khiến tỷ giá khó tăng quá 1,43%.

Mặt bằng lãi suất sẽ ổn định cho đến hết năm. Lãi suất huy động thực tăng dần (do lạm phát giảm) sẽ tiếp tục khuyến khích tiền gửi VND và kéo theo các điều chỉnh lãi suất tiếp theo. Nới lỏng cung tiền qua hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể lên tín dụng mà sẽ tạo trạng thái thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng thương mại. Với rủi ro gây lạm phát là tương đối thấp, việc nới lỏng này khiến cho NHTM có đủ thanh khoản để tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ.

Nên neo tỷ giá vào một rổ tiền tệ thay vì USD

Với những nhược điểm nói trên của nền kinh tế, VEPR khuyến nghị, Chính phủ cần giảm mức độ rủi ro của nền kinh tế thì lãi suất mới giảm một cách lành mạnh, không duy trì áp chế lãi suất và can thiệp hành chính đối với tín dụng.

Về phía tài khoá, cắt giảm biên chế nhà nước và thu hẹp khu vực công là giải pháp tất yếu để giảm chi thường xuyên và qua đó giảm thâm hụt ngân sách và kìm hãm tích luỹ nợ công. Nguồn cung giảm sẽ hạ lãi suất trái phiếu, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

Về phía tiền tệ, nền kinh tế đang trên đà hồi phục nên NHNN có thể thu dần các biện pháp nới lỏng.

Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị việc tinh giản thủ tục hành chính, giảm giấy phép “con”, mở rộng phạm vi ứng dụng của công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đặt lộ trình và mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn để đo lường chất lượng và tiến độ cải cách hành chính. Trong đó, lưu ý rằng, cải cách phải có tính thực dụng, do đó phải hướng tới cải thiện các chỉ tiêu phù hợp trong bộ chỉ số cạnh tranh toàn cầu hay chỉ số tự do kinh tế.

VEPR cũng cho rằng, NHNN cần đẩy mạnh mua ngoại tệ nhằm nâng tỷ giá danh nghĩa đồng VND với USD để triệt tiêu ảnh hưởng tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong tương lai có thể xem xét chuyển đổi cơ chế neo tỷ giá vào đồng USD sang neo tỷ giá vào một rổ tiền tệ, không chỉ đơn thuần cho phép chuyển đổi tự do giữa các loại tiền tệ

Về xử lý nợ xấu, cần đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN để lấy nguồn tài chính cung ứng vốn cho VAMC xử lý nợ xấu. Có thể kết hợp với vốn vay của nước ngoài và phối hợp với đối tác nước ngoài trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh cung cấp vốn, cơ chế pháp lý cần thiết cho sự vận hành của một thị trường mua bán công cụ nợ phải được gấp rút xây dựng, bao gồm xác định rõ ràng quyền tài sản gắn với đất đai, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mại, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Biện pháp quốc hữu hoá có thể được áp dụng cho các ngân hàng kém lành mạnh về tài chính, sau khi được tái cấu trúc có thể tiến hành bán phần tài sản NHNN đã mua.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *