• -

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Thêm một đề án đường sắt lỗi thời

Mở rộng thêm 2 gang tay, đường sắt 1,435m hòa mạng quốc tế với hệ số kháng lật tăng gấp 3 lần, có thể chịu tốc độ chạy tàu từ 150-200km/h.

Đường sắt khổ 1m có mô men kháng lật thấp, nên rất dễ lật. Đầu máy Đức 4000 CV trị giá 20 triệu USD hiện đại nhất thế giới đã lật nhào trên đường sắt đồ cổ khổ 1m khi đang chạy thử nghiệm không tải. Nguồn: Ketcau.com
 

TCty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã lập tờ trình số 1354/TTr-ĐS, gửi Bộ GTVT xin phép lập đề án nghiên cứu xây dựng mới 1 tuyến đường sắt khổ 1m, chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM hiện tại để tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt. 

 
Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh việc ngành đường sắt VN chậm đổi mới không đáp ứng nhu cầu vận tải, cùng chuyện khổ đường 1m không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của hoạt động vận tải hiện tại. Nếu tờ trình được Bộ GTVT phê duyệt, phải chăng ngành đường sắt đang muốn lùi về với quá khứ.
 
Lý giải đề xuất “giật lùi”
 
Theo giải thích của TCty Đường sắt VN (ĐSVN) là bởi hiện tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM có năng lực thông qua rất thấp, chỉ đạt khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm. Tại một số nút thắt, nơi mà năng lực thông qua đã đến giới hạn, tối đa không quá 18 đôi tàu/ngày đêm. Với lý do nêu trên và lý do phục vụ nhu cầu vận tải trước mắt và trong tương lai để đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, tại tờ trình gửi Bộ GTVT nêu trên, TCty ĐSVN đề nghị Bộ GTVT cho phép dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt HN - TPHCM hiện tại, bởi tuyến ĐS đang khai thác đã xuống cấp, cần phải đầu tư xây dựng.
 

Về nguyên nhân phải làm tuyến ĐS mới khổ 1m, TCty ĐSVN cho rằng, tuyến đường sắt HN - TPHCM có tổng chiều dài 1.726km với khổ đường 1m, được xây dựng từ thời Pháp thuộc với các tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ chạy tàu thấp. Hướng tuyến nhiều đoạn đi qua những vùng đèo, núi quanh co như Khe Nét (Quảng Bình) có độ dốc lớn như đèo Hải Vân nằm giữa Huế và Đà Nẵng... Nhiều đường cong bán kính nhỏ hơn 300m, thậm chí có những đoạn nhỏ hơn 97m cùng bề rộng nền đường hẹp, kết cấu nhiều công trình phụ cận đã xuống cấp. 

Ngoài ra, tải trọng khai thác của tuyến ĐS hiện tại (cầu và đường) không đồng đều, như khu đoạn HN - Vinh là 4.2T/m; Vinh - Đà Nẵng là 4.1T/m và Đà Nẵng - TPHCM là 3.6T/m... nên TCty ĐSVN cho rằng, việc mở thêm một tuyến ĐS 1m chạy song song với tuyến ĐS hiện tại là để khắc phục nhu cầu vận tải hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH của đất nước theo hướng CNH-HĐH.

Cũng theo TCty ĐSVN, việc lập đề án này nhằm đánh giá thực trạng kết cấu cơ sở hạ tầng và tình hình khai thác của tuyến ĐS hiện tại. Tổng hợp các nghiên cứu của các đơn vị, tổ chức về tuyến ĐS từ HN - TPHCM trong thời gian qua, việc nghiên cứu làm rõ sự cần thiết phải xây dựng thêm một tuyến ĐS mới khổ 1m, chạy song song với tuyến ĐS hiện tại để phục vụ vận tải, phát triển KTXH và an ninh quốc phòng. 

Đồng thời nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện các phương án về phân kỳ đầu tư khả thi và đạt hiệu quả cao nhất với tiến độ đề án được thực hiện và hoàn thành trong năm 2014. Được biết, sau khi TCty ĐSVN có tờ trình, Bộ GTVT đã giao Vụ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra, rà soát và làm rõ những vấn đề liên quan.

Ý tưởng... siêu thực
 
Theo TS Trần Đình Bá - Hội Kinh tế và Vận tải ĐSVN - đề xuất nêu trên của TCty ĐSVN là một ý tưởng siêu thực, bởi trước đó, TCty ĐSVN đã thực hiện kiên cố hóa đường sắt khổ 1m với kinh phí 26.500 tỉ đồng - tương đương 1,3 tỉ USD từ năm 2005, nhưng dự án này đã thất bại bởi không mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế.
 
Việc đề nghị làm tuyến đường sắt khổ 1m nêu trên, TS Bá cho rằng đây là việc đáng được coi là dự án kéo lùi ngành ĐS, bởi về kinh tế, tuyến ĐS mới không khai thác được cầu hầm, mà phải làm mới. Chi phí cho đền bù giải tỏa, khảo sát thiết kế thi công giám sát phải trên 20 tỉ USD và hoàn thành nhanh cũng phải mất 10 năm. Việc toan tính sẽ đưa từ 25 đôi tàu/ ngày đêm lên 100 đôi tàu/ngày đêm (tăng gấp 4 lần) là không thể thực hiện được.
 
Về kỹ thuật, đường sắt khổ 1m có mô men kháng lật rất thấp, nên rất dễ lật tàu, do đó chỉ chạy tàu được với vận tốc trung bình chỉ 40-45km/h, hành trình HN - TPHCM phải trên 32 tiếng. Vụ lật tàu ở Bàu Cá - Dầu Giây (Đồng Nai) năm 1984 làm chết trên 200 người cùng toàn tổ lái vẫn còn là nỗi đau trong lịch sử ĐSVN. Bởi vậy, dự án làm ĐS khổ 1m phải được coi là... “bỏ tiền mua công nghệ đồ cổ”.
 

Cũng theo TS Trần Đình Bá, từ 2005 ông đã từng đề xuất mở rộng tuyến ĐS quốc gia khổ 1m thành 1,435m bằng cách sử dụng toàn bộ hạ tầng nền đường, hệ thống nhà ga, cầu hầm, tín hiệu, đầu máy toa xe... và chỉ mở rộng tà vẹt và bề rộng bánh sắt, nên chi phí chỉ tốn khoảng 5-6 tỉ USD trên toàn tuyến 3.000km từ HN - TPHCM, HN - Hải Phòng, HN - Lào Cai. 

Việc chỉ mở rộng thêm 2 gang tay để có khổ ĐS 1,435m hòa mạng quốc tế với hệ số kháng lật tăng gấp 3 lần, có thể chịu tốc độ chạy tàu từ 150-200km/h để chở được cả hàng hóa và hành khách cùng với chở được các loại hàng siêu trường siêu trọng. Khi đó, hành trình HN - TPHCM sẽ chỉ còn là 13-15 giờ và đường sắt sẽ không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, mà còn là công cụ cơ động trang bị cho việc phòng thủ bảo vệ tổ quốc.

Theo Công Thắng - Đặng Tiến

Lao động

 
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *