Tổng Bí thư: Phải răn đe để không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng

“Phòng tham nhũng là việc cơ bản, tốt nhất là để nó đừng xảy ra, ngăn chặn trước, răn đe trước. Phải có các biện pháp làm cho người ta muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng...”

Chiều 6/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Tây Hồ. (Ảnh: Minh Thăng - VietNamnet)

Đa số cử tri phát biểu bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước. Chất lượng Kỳ họp được nâng lên, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, có trình độ cao, đề cập sâu sắc các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cử tri chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của một số thành viên Chính phủ, còn vòng vo, né tránh, chưa tập trung vào những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, cử tri cho rằng thực tế còn nhiều văn bản dưới luật ban hành sai quy định; đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những cán bộ, cơ quan có trách nhiệm, bảo đảm việc việc soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo đúng quy định của pháp luật.

Về tình trạng dân khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi, một số cử tri đề nghị cần có biện pháp giải quyết tận gốc, xử lý triệt để, đồng thời phải cải cách công tác tiếp dân, cần giải quyết dứt điểm ngay từ cấp xã, phường. Hay trong công tác giải phóng mặt bằng, những người tự giác cần được biểu dương, khen thưởng, những người chây ỳ phải có hình thức kỷ luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp, người chây ỳ không thực hiện thì lại được tăng giá đền bù, người tự giác thực hiện thì lại được nhận mức đền bù thấp hơn; cần công khai và chỉ thực hiện một giá đền bù trong giải phóng mặt bằng.

Cử tri hoan nghênh Đảng, Nhà nước thời gian qua đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn, vẫn còn tình trạng né tránh, cán bộ sai phạm chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, phê bình... xử lý chưa nghiêm. Cử tri mong muốn, cán bộ đảng viên cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi tự sửa, có như vậy tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền các cấp mới ngày càng trong sạch vững mạnh.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội có mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm của cử tri, tập trung vào những nội dung cần phản ánh với Quốc hội, với Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, rất quan trọng không chỉ cho trước mắt mà cho cả lâu dài, như Hiến pháp (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)... Thành công của Quốc hội, cộng hưởng với những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội..., những thành công trên lĩnh vực đối ngoại, đã tạo thêm niềm tin vào con đường đi lên của đất nước.

Trước sự quan tâm lo lắng của cử tri về tình trạng khiếu nại tố cáo còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Tổng Bí thư nêu rõ: Đảng, Nhà nước đã hết sức cố gắng, tìm mọi cách để giải quyết từ gốc, cho nên phải sửa Luật Đất đai, thực hiện tốt các cơ chế chính sách. Bộ phận tiếp dân của Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội... đều gồm những cán bộ có trình độ, hiểu biết luật pháp. Nhưng Quốc hội không có thẩm quyền giải quyết ngay, mà là nơi nhận đơn và chuyển cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Thực tế có những việc chưa được hài lòng, nhưng cần bình tĩnh xem xét, giải quyết cho có lý, có tình.

Trước ý kiến của nhiều cử tri cho rằng tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã làm hết lòng hết sức, quyết tâm rất cao, làm nhiều việc từ luật pháp, cơ chế chính sách, những quy định đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm người đứng đầu... và đã đẩy lùi được một bước. Nghị quyết Trung ương 4 ra đời cũng là muốn tập trung vào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, còn phải kiên trì, quyết tâm thực hiện lâu dài.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Phòng tham nhũng là việc cơ bản, tốt nhất là để nó đừng xảy ra, ngăn chặn trước, răn đe trước, phải có luật pháp chính sách, bố trí cán bộ, kiểm tra, thanh tra thường xuyên, phải có các biện pháp răn đe làm cho người ta muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng...

Về chống tham nhũng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đi vào hoạt động hơn một năm và đã làm quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết một số vụ án tham nhũng lớn, tồn đọng kéo dài; đồng thời tăng cường kiểm tra công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi cho được, chống cho được tham nhũng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, tránh hình thức, bảo đảm công khai minh bạch, có kiểm tra giám sát... Về trách nhiệm cá nhân, cần có cơ chế khuyến khích người đứng đầu làm việc tốt, gắn với trách nhiệm cá nhân rõ ràng, tránh tình trạng có công thì nhận, còn trách nhiệm thì đổ vào tập thể.

Nguyễn SựTTXVN

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *