Tổ công tác của Thủ tướng: 7 tháng, điều kiện kinh doanh mới cắt giảm 15,2%

Theo yêu cầu của Chính phủ đến ngày 15/8, các Bộ, ngành phải xoá bỏ, cắt giảm 50% số điều kiện, giấy phép con, Nhưng, đến nay mới chỉ chính thức cắt giảm được 900/5905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa tổng kết kết quả xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 176 nhiệm vụ và 41 đề án đã quá hạn so với yêu cầu. Bộ KH&ĐT đang đứng đầu về số nợ Dự thảo Nghị định được giao.

Chỉ còn nửa tháng để cắt giảm 50% số điều kiện, giấy phép con

Báo cáo của Tổ công tác cho biết, hết 7 tháng đầu năm, Thủ tướng giao tổng cộng gần 13.300 nhiệm vụ, trong đó hơn 5.700 nhiệm vụ đã hoàn thành, hơn 7.300 nhiệm vụ đang được thực hiện, còn lại 176 nhiệm vụ chưa hoàn thành, qua hạn so với yêu cầu.

Hết tháng 7, các bộ ngành đã trình Thủ tướng 154 đề án, trong đó 56 đề án đã được ban hành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 41 đề án trong kế hoạch trình Thủ tướng nhưng chưa được hoàn tất và trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về tình trạng nợ đọng Nghị định, Tổ công tác báo cáo hiện có 7 Nghị định bị các bộ ngành nợ, đứng đầu về số Nghị định là Bộ KH&ĐT (với 2 Nghị định), Bộ Tài chính 1 và các bộ như Bộ Nội vụ, LĐ-TB&XH , NN&PTNT, Ngoại giao đều nợ 1 Nghị định.

Về Thông tư, Bộ Công an Công Thương đều nợ từ 2 đến 3 Thông tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính... nợ một Thông tư.

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo yêu cầu của Chính phủ đến ngày 15/8, các Bộ, ngành phải xoá bỏ, cắt giảm 50% số điều kiện, giấy phép con hiện nay. 
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ chính thức cắt giảm được 900/5905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, GD&ĐT, TT&TT.

Cả nước hiện có hơn 2.363 điều kiện (chiếm 40%) có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, trách nhiệm thuộc về 14 bộ: GD&ĐT, TTTT, Y tế, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, LĐ-TB&XH, KH&CN, VHTT&DL, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng nhà nước.

Báo cáo của Tổ công tác cũng nêu rõ: Qua phản ánh của hiệp hội, doanh nghiệp, còn nhiều phản ánh về thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí. 

Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế (ví dụ như phản ánh của công ty ở TPHCM, mặc dù  doanh nghiệp đã thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhưng lại vướng Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày). 

Tổ công tác đề nghị các Bộ tập trung sửa đổi ngay các thông tư đồng bộ với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết: Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. 

Điển hình là phán ánh về 20 vụ việc tiêu cực đã được chuyển đến Bộ Tài chính xem xét xử lý theo thẩm quyền (công văn số 1629/VPCP-KSTT ngày 8/6/2018), trong đó phần lớn liên quan đến cán bộ, công chức hải quan nhận tiền bồi dưỡng trong quá trình thực thi công vụ, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử lý.

An Linh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *