Thủ tướng: “Người dân có quyền được hưởng thực phẩm tươi sạch”

Với 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, ngành rau củ quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo và cả dầu khí. Thủ tướng lưu ý thêm, thị trường trong nước với 100 triệu dân là cơ hội lớn khi mà người dân có quyền được hưởng những thực phẩm tươi sạch, bảo đảm chất lượng.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, chiều nay (18/12), tại Diễn đàn về lĩnh vực rau củ quả và logistics cho nông nghiệp tại Đồng Tháp, Thủ tướng nhấn mạnh làm tốt quy hoạch sản xuất gắn với thị trường, cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để thuận lợi hơn, phù hợp hơn, “nhằm giảm chi phí vận chuyển gồm phát triển các dịch vụ logistics”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn như các đại biểu đã phân tích và vừa qua, đã có tốc độ tăng trưởng mạnh. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong tổng số 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nói chung. Như vậy, ngành rau củ quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo và cả dầu khí.

Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: VGP).
Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: VGP).

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra rằng, trong khi nền kinh tế Việt Nam đứng ở top 50 thế giới về quy mô GDP thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1% thế giới. Năng suất còn thấp. Chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra. Thậm chí, tình trạng thị trường không ổn định còn diễn ra khá nhiều với việc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”.

Công nghệ sinh học, đặc biệt là giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau quy hoạch còn rất cao, trên 30%. Trong 3,5 tỷ USD xuất khẩu thì chế biến mới chiếm 8%, như vậy giá trị gia tăng còn thấp, cần khắc phục. Và bất cập nữa về hạ tầng, nhất là logistics với tính cạnh tranh còn thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam thuộc nhóm đắt đỏ so với khu vực và thế giới. Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỉ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, làm ảnh hưởng đến giá bán rau củ quả. Chỉ số năng lực logistics giảm 16 bậc (từ thứ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2018).

Chính sách thúc đẩy sản xuất lĩnh vực này còn chưa rõ nét. “Bây giờ ở Đồng Tháp mới có hai mươi mấy nghìn ha là trồng rau củ quả mà chúng ta muốn tăng lên gấp 3 lần nữa thì chính sách nào để thu hút”, Thủ tướng nói. “Tất cả những bất cập đó, chúng tôi cho rằng sau hội nghị này, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT sẽ thảo luận, có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau củ quả Việt Nam xứng với tiềm năng”.

Nhất trí với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, dự báo nhu cầu rau quả thị trường trong nước và quốc tế rất lớn. Trong khi đó, thị trường là mục đích của sản xuất, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, theo nhu cầu thị trường.

Thị trường to lớn về rau củ quả có chất lượng, giá cả hợp lý cùng với tiềm năng to lớn của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng là một điều kiện cần và đủ để chúng ta phát triển sản xuất. Thị trường trong nước với 100 triệu dân là cơ hội lớn khi mà, theo Thủ tướng, người dân có quyền được hưởng những thực phẩm tươi sạch, bảo đảm chất lượng.

Do đó, cần đón bắt, nắm chắc dự báo để tính toán tăng kim ngạch bình quân trên 20%/năm và giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này vào năm 2020 đạt gần 5 tỷ USD.

“Chúng ta cần xác định chìa khóa của sự thành công đó chính là chất lượng và giá thành sản phẩm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *