Thủ tướng: "Anh nào né tránh, đùn đẩy, không quyết đoán thì đứng sang một bên"

Chia sẻ tại buổi làm việc với Tổ tư vấn của mình sáng nay 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cải cách nền hành chính công vụ phải thực sự triệt để, không muốn nghe tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", Thủ tướng nói: "Anh nào né tránh, đùn đẩy, không dám quyết đoán thì đứng sang một bên để anh khác làm, chứ không phải lời nói và hành động của anh không đi liền với nhau".

Tại buổi làm việc đánh giá kết quả hoạt động của Tổ tư vấn cho Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hiện nay của bộ máy.

Thủ tướng nói, ông mong muốn Tổ tư vấn hiến kế về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng chia sẻ tâm tư với các chuyên gia là thành viên Tổ tư vấn ngày 23/12 (ảnh VGP)
Thủ tướng chia sẻ tâm tư với các chuyên gia là thành viên Tổ tư vấn ngày 23/12 (ảnh VGP)

Thủ tướng nêu ý kiến: “Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính, hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân"

"Anh nào né tránh, đùn đẩy, không dám quyết đoán thì đứng sang một bên để anh khác làm, chứ không phải lời nói và hành động của anh không đi liền với nhau”, ông quả quyết.

Sau gần 5 tháng thành lập, kể từ cuối tháng 7/2017 với 16 thành viên, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam và chuyên gia kinh tế người Việt đang công tác tại nước ngoài. Thủ tướng lưu ý: Tổ tư vấn cần bám sát kế hoạch hoạt động của Thủ tướng, góp một kênh để tham mưu kịp thời hơn.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Tổ cần có sự phân công, điều phối công việc một cách nhịp nhàng hơn, ăn ý hơn giữa các thành viên. Có hình thức duy trì sinh hoạt qua mạng, trực tuyến cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Cần đổi mới cách thức tổ chức công việc để phát huy vai trò, thế mạnh của từng thành viên, kể cả việc tổng hợp báo cáo của các thành viên gửi Thủ tướng cũng phải công phu, khoa học, tôn trọng sự khác biệt. Báo cáo cần ngắn gọn, nêu được ý kiến đồng thuận và ý kiến khác nhau. Mỗi thành viên có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, tâm huyết, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta và “quý vị phải hiểu Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong thời điểm cụ thể đó”.

Đại diện Tổ tư vấn, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright cho rằng: Chủ trương, chính sách nhiều, vấn đề là làm và để làm được thì cần có động lực.

"Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách. Đây là cách tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới", ông Tự Anh nói.

PGS.TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nêu tình trạng cuối năm thường các cơ quan báo cáo tổng kết, họp hành rất nhiều và cho biết, ở các nước OECD, không có hệ thống báo cáo cuối năm như ở ta. Họ dùng hệ thống quản lý hiệu suất, các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao ngay đầu năm và được nhập vào hệ thống phần mềm, sẽ tự động cập nhật, cho kết quả ngay mà không cần chờ báo cáo. Ông mong muốn nên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý công vụ.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc các chuyên gia cũng nói đến và ý kiến kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với tiền ảo Bitcoin với nhiều nguy cơ “bong bóng”.

Thủ tướng đề nghị: Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, tâm huyết, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta và phải hiểu Thủ tướng cần gì trong thời điểm cụ thể đó.

Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: “Nếu không có biện pháp, giải pháp quyết liệt thì chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nhà nghiên cứu đề cập”.

Nguyễn Tuyền

 
 
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *