Thị trường bán lẻ: Lao xao "sóng nội", cơ hội "sóng ngoại"

Như thường lệ, vào những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ trong nước lại vào "mùa".

Nét mới của thị trường năm nay là nhiều chương trình giảm giá, trợ giá, kích cầu trị giá nhiều tỷ đồng được triển khai đồng loạt nhằm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng thay vì qua nhiều "cầu" như trước đây.

 

Theo ghi nhận, thị trường bán lẻ trong nước năm nay có nhiều điểm "lạ". Theo đó, thị trường nội địa sau nhiều năm yếu thế đã "ghi điểm" với sự lên ngôi của hàng nội. Thế nhưng, xem ra sự "ghi điểm" có dấu hiệu chưa bền vững khi người tiêu dùng trong nước liên tục bị "bủa vây" bởi các thông tin bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm, những ưu phiền về hậu mãi và sự lập lờ trong nhãn mác hàng hóa...


Trong khi đó, thời điểm cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành ngày càng đến gần đồng nghĩa với việc hàng hóa các nước ASEAN mà cụ thể là từ Thái Lan vào Việt Nam có thể khiến nhiều người có lý do để lo lắng cho vị thế của hàng Việt. Thêm vào đó, những thông tin nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác từ Hàn Quốc, Pháp đang rục rịch “đổ bộ” vào Việt Nam dường như càng củng cố thêm những nỗi lo này.


Nhưng cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quá lo lắng trước những tín hiệu trên của thị trường bán lẻ nội địa. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội có lý khi cho rằng, chính người tiêu dùng nội địa mới là người quyết định cuối cùng với vị thế của hàng hóa được tiêu thụ trên thị trường.


Thành thử bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lúc này vẫn là tiếp thị và hậu mãi. Có một câu hỏi mà nhiều hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân- địa chỉ bán lẻ lớn nhất Hà Nội đặt ra tại một cuộc đối thoại mới đây về việc làm gì để hàng Việt ra được chợ truyền thống: Tại sao doanh nghiệp nước ngoài xa xôi vậy mà hàng của họ vẫn chềnh ềnh ở chợ trong khi doanh nghiệp trong nước “ngại” đến đây?

 

Cái “ngại” đó rõ ràng không phải là không thể giải quyết được một khi doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam quyết tâm xắn tay đưa hàng Việt ra chợ cộng với những chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành một thói quen của người tiêu dùng trong nước.

 

Vấn đề nay cũng đã rõ: thay vì cố gắng bán, hãy giúp người tiêu dùng mua.

 

Theo Quang Lộc

Công Thương

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *