Sau "ánh lấp lánh" của thu hút FDI

FICA - Từ năm 2011 đến nay, khi mấy động cơ nội của nền kinh tế suy trầm, chỉ có một động cơ ngoại chạy tốt, tuy có làm cho chỉ tiêu “phù phiếm” GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng nhưng nguồn lực của quốc gia sẽ ngày càng suy kiệt.


Nguồn FDI rất quan trọng nhưng không nên để nền kinh tế bị lệ thuộc vào dòng vốn ngoại.
 
Theo ghi nhận của Khối nghiên cứu thuộc Ngân hàng HSBC tại báo cáo vĩ mô công bố ngày 7/2, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á có ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. 
 
Xuất khẩu hàng sản xuất đã gia tăng trong nhiều năm, đặc biệt là kể từ năm 2011 nhưng đa phần hoạt động sản xuất tăng bởi lĩnh vực điện thoại và phụ kiện - vốn không thực sự tồn tại những năm trước 2011. 
 
Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp như Samsung đã tăng lên. 
 
“Đây không hẳn là tín hiệu tiêu cực nếu như các doanh nghiệp này trước đây xây dựng nhân công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng” - HSBC nhận xét. Tuy nhiên, đây lại cũng là một nhắc nhở quan trọng rằng Việt Nam đã không chuyển dịch đáng kể khỏi một nền kinh tế trồng trọt. 
 
Theo HSBC, dòng vốn FDI chắc chắn là tín hiệu lạc quan hơn cho sự ổn định kinh tế khi được chứng tỏ bằng năng lực phục hồi tương đối của Việt Nam trong bối cảnh tình hình biến động. Tuy nhiên, chỉ tính FDI không thôi thì chưa đủ mà rất cần một nỗ lực phối hợp để tối đa hoá các lợi ích. 
 
Tại nghiên cứu “Khả năng phục hồi kinh tế - Cơ hội và thách thức” của nhóm tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong, Bình Phan được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) giới thiệu, các tác giả cho rằng, một thời gian dài cho đến tận ngày nay, cùng với tăng trưởng GDP, việc thu hút đầu tư nước ngoài luôn được xem như là thành tích trong các báo cáo tổng kết. Các doanh nghiệp FDI nhận được rất nhiều ưu đãi từ các chính sách thu hút đầu tư trong việc tiếp cận nguồn lực (đất đai, thuế, tiếp cận vốn…). 
 
Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thì trong thu hút FDI, hầu như phía Việt Nam không thu được gì từ công nghệ, lao động đến thuế từ khu vực này.
 
Theo đó, tuy không hoàn toàn do khu vực FDI nhưng rõ ràng khu vực có vốn đầu tư trực tiếp góp phần quan trọng làm luồng tiền đi ra khỏi đất nước ngày một lớn.
 
So sánh chi trả sở hữu ra nước ngoài và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đơn vị: tỷ đồng).
 
Các tác giả cho rằng, thực trạng này phản ánh, ngoài việc thâm hụt thương mại kinh niên thì việc chi trả sở hữu ra nước ngoài cũng đáng báo động không kém. 
 
Tại nghiên cứu này, nhóm tác giả lưu ý rằng, GDP ở Việt Nam hiện nay không chỉ được tính toán mà còn được nhìn nhận về ý niệm từ phía cung, tức là cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu (trong giá trị gia tăng theo cách tính toán của cơ quan Thống kê Việt Nam bao gồm cả thuế sản phẩm) theo nguyên tắc thường trú. 
 
Chẳng hạn, một doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trên một năm thì toàn bộ phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó được tính vào GDP của Việt Nam, một doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên ở Việt Nam cũng được tính toán theo nguyên tắc trên. 
 
Như vậy, tăng trưởng về quy mô cũng như về số lượng của chỉ tiêu GDP thực ra không phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế. Việc doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên họ sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam là một ví dụ.
 
“Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách quá thoải mái và không có định hướng? Ngoài ra, cũng do quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm quốc nội) mà quên mất rằng cái nước ta được hưởng sau cùng là GNI (thu nhập quốc dân)” – nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi.
 
Theo nhóm tác giả này, động lực FDI chạy tốt có thể có lợi cho chỉ tiêu ít ý nghĩa là tăng trưởng GDP nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng thấp hơn tăng trưởng GDP và góp phần làm mức độ để dành của trong nước ngày càng giảm và nếu loại trừ kiều hối thì tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng trên 20% GDP.
 
“Tình hình như từ năm 2011 đến nay, khi mấy động cơ nội của nền kinh tế suy trầm, chỉ có một động cơ ngoại chạy tốt tuy có làm cho chỉ tiêu “phù phiếm” GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng nhưng nguồn lực của quốc gia sẽ ngày càng suy kiệt” - theo nhóm nghiên cứu.
 
Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên, mà về tổng thể chúng ta phải có những ràng buộc với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để hạn chế tình trạng luồng tiền chảy ra ngoài càng ngày càng nhiều.
 
Thực tế, trong những lần xuất hiện trước báo giới gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã cho biết sự thay đổi trong quan điểm của Việt Nam về thu hút dòng vốn FDI. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có lần nói: "Giai đoạn đầu mở cửa, chúng ta trải thảm đỏ chào đón những giờ thì không. Chúng ta chỉ ưu đãi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, nói cách khác là vẫn phải ưu đãi nhưng ưu đãi sao cho hợp lý, tạo ra lợi ích cho quốc gia và lợi ích cho cả doanh nghiệp."
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay trên 60% kim ngạch xuất khẩu đến từ lĩnh vực FDI, các doanh nghiệp này cũng tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp, tới đây có thể tăng lên 3 triệu và mang đến cho Việt Nam công nghệ mới, cách quản lý và làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là những đóng góp không phủ nhận được.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *