Rào chắn thương mại với EU sẽ sớm được dỡ bỏ

FICA - EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Phiên đàm phán thứ bảy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã diễn ra từ ngày 17 đến ngày 26/3/2014 tại Hà Nội.

 

Thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, tại Phiên này, Việt Nam và EU đều tích cực thúc đẩy đàm phán trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những nội dung hai bên có nhiều lợi ích.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã tham dự phiên đàm phán. Đàm phán được tiến hành ở cấp Trưởng đoàn, Phó đoàn và 10 nhóm gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, SPS, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, pháp lý - thể chế, phát triển bền vững...

Nhân dịp diễn ra phiên đàm phán này, Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để thúc đẩy tiến trình đàm phán cũng như quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU, cả Việt Nam và EU đều khẳng định quyết tâm sớm đạt được thoả thuận về một Hiệp định FTA toàn diện, có chất lượng cao giữa hai bên. Trên tinh thần thúc đẩy đàm phán đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy Thương mại EU khẳng định, các nhóm kỹ thuật đã tiến hành đàm phán một cách thực chất, thẳng thắn và hợp tác.

Tại phiên đàm phán, các nhóm tiếp tục thảo luận lời văn tổng hợp trên cơ sở trao đổi sâu và chi tiết quan điểm, cách tiếp cận của mình trong các nội dung cụ thể, đồng thời tiếp tục giới thiệu hệ thống chính sách, quy định liên quan để giải thích các đề xuất, yêu cầu của mình. Các nhóm đàm phán về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ-đầu tư và mua sắm Chính phủ cũng tiếp tục thảo luận bản chào và bản yêu cầu trong các lĩnh vực liên quan.

Sau phiên này, tiếp tục có thêm một số nhóm kỹ thuật như minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp đã cơ bản thống nhất được lời văn. Các nhóm còn lại đã tiếp tục thu hẹp được khoảng cách trong nhiều nội dung. Những vấn đề then chốt, phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của đàm phán cũng được hai Trưởng đoàn trao đổi chi tiết nhằm đề ra lộ trình xử lý, tìm kiếm giải pháp phù hợp với năng lực, kỳ vọng của mỗi bên, hướng tới những tiến bộ tích cực trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng 33,8 tỷ USD, tăng 16,11% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 24,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 9,4 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong năm 2013, EU có gần 1.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *