Quốc hội xem xét biện pháp giải quyết tình hình Biển Đông

FICA - Báo cáo về tình hình Biển Đông, chủ trương và giải pháp của Việt Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày tại Quốc hội ngày mai, sẽ được thảo luận để quyết định những nội dung lớn, tổng quát sau đó…

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về việc này trong buổi họp báo trước kỳ họp thứ 7 tại Hà Nội chiều nay, 19/5.

Trong chương trình kỳ họp, về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Quốc hội xem xét biện pháp giải quyết tình hình Biển Đông
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của báo giới trong cuộc họp báo trước kỳ họp.
 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Vừa qua tình hình Biển Đông hết sức phức tạp. Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền của Việt Nam, hành động vi phạm Công ước Quốc tế về luật biển, DOC và tuyên bố giữa lãnh đạo cấp cao giữa 2 nước. Vì thế kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình này có thời gian trao đổi về vấn đề”.

 

Nội dung báo cáo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ được dành thời gian vào buổi chiều ngày mai, 20/5, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp. Phần thảo luận về nội dung này, ông Phúc thông tin, Quốc hội họp riêng, có thể họp báo, trao đổi với báo chí sau đó.

 

Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ có báo cáo về tình hình và biện pháp giải quyết về việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng vừa qua.

 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng nói rõ, trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm, Quốc hội sẽ có những trao đổi về vấn đề này. Khi đó, nhiều giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề sẽ được bàn. Phiên thảo luận về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khái quát, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội có chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Công ước luật Biển và các quy định pháp luật của Liên hợp quốc. Lãnh đạo Quốc hội rất cảm kích khi các nghị sĩ trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, như việc bày tỏ quan điểm công khai, mạnh mẽ của đoàn nghị sĩ của Thượng viện Mỹ.

 

Phủ nhận khả năng Quốc hội phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2014 đã định ra trước đó do ảnh hưởng của vụ giàn khoan Hải Dương 981, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2014 rất tốt, chưa thấy dấu hiệu nào cần phải điều chỉnh.

 

Chỉ có vấn đề thiệt hại của một số doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản, nhà xưởng do việc người dân bày tỏ lòng yêu nước nhưng bị kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến hành vi đập phá, gây tác động đến doanh nghiệp, sản xuất, nhà đầu tư. Ông Phúc thông tin, do can thiệp tích cực, định hướng kịp thời, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được hậu quả gây ra, trở lại hoạt động.
 

Vẫn phải lùi luật Biểu tình dù rất cần thiết

 

Với câu hỏi đặt ra về việc Quốc hội cần thực hiện một chương trình lớn hơn về Biển Đông như xem xét việc tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển, tăng hỗ trợ với ngư dân trên biển, ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp, trong quá trình xem xét cụ thể báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định các giải pháp đề xuất Chính phủ trình ra, trong đó có những giải pháp mang tính chất tổng quát.

 

Nhưng giải pháp nào cũng phải trên nguyên tắc đường lối đối ngoại, trong tình huống nào cũng phải đảm bảo hòa bình, còn cơ hội nào cũng cần hết sức tỉnh táo xem xét, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

Biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, như trao đổi của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Dân trí, cũng là một cách thức đấu tranh hòa bình được Chính phủ lưu ý, đề xuất Quốc hội khi cần thiết, để mang lại hiệu quả cao nhất.

 

“Ứng xử trong mọi tình huống chúng ta đều phải rất khéo léo, linh hoạt, theo kinh nghiệm, truyền thống của ông cha, làm sao phải thật kiên trì để giữ gìn nền hòa bình, ổn định lâu dài, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Biển Đông rộng lớn” – người đứng đầu Văn phòng Quốc hội trao đổi.

 

Về vấn đề giải quyết việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết UB Thường vụ đang chờ báo cáo của UB Trung ương MTTQ Việt Nam để nắm được tình hình dư luận nhân dân.

 

Với bức xúc về sự cần thiết có luật Biểu tình để điều chỉnh hoạt động tuần hành của người dân mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đã khẳng định về quyền biểu thị chính kiến của mỗi người, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, Hiến pháp mới vừa được thông qua năm 2013. Sau khi thông qua có rất nhiều các luật cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp mới.

 

Ông Phúc nói thông tin: “Quốc hội hiện mới đang tập trung vào nhóm luật tổ chức các cơ quan nhà nước nên luật Biểu tình phải gác lại đến cuối năm. Có rất nhiều luật cấp thiết cần làm trước nên dù luật Biểu tình hết sức quan trọng nhưng chúng ta chưa làm được ngay trong kỳ họp này”.

 

Hỗ trợ thêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời câu hỏi về thông tin nhiều người lao động Trung Quốc muốn về nước sau sự cố tại khu công nghiệp Vũng Áng, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, sau sự cố, cơ quan chức năng đã tập trung nỗ lực hỗ trợ cứu chữa cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như Việt Nam về những thiệt hại phải gánh chịu.

 

Hiện tình hình tại địa phương trở lại bình thường, các công nhân, kỹ sư, lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đã trở lại làm việc. Tổng GĐ công ty Fomosa vẫn cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam. 

 

Theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công nhân bị thương về nước một cách thuận lợi bằng đường hàng không. Số công nhân khác trong hôm nay cũng có thể về nước bằng đường biển.

 

P.Thảo

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *