PwC: Việt Nam và Trung Quốc là hai điểm đến hàng đầu của đầu tư xuyên biên giới trong khu vực

Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hong Kong... sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới.

Các lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn châu Á - Thái Bình Dương vẫn tin rằng doanh thu của doanh nghiệp họ sẽ tăng trưởng trong vòng 12 tháng tới, bất chấp sự gia tăng tranh chấp thương mại.

Đây là một phần kết quả cuộc khảo sát do PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), 35% người trả lời rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu, giảm nhẹ so với tỷ lệ 37% năm ngoái. 51% có kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư trong năm tới.

Triển vọng kinh doanh, thương mại và đầu tư

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ và Thái Lan thuộc nhóm lạc quan nhất, với 57% người trả lời ở Mỹ và 56% ở Thái Lan cho biết họ “rất tự tin” về khả năng tăng trưởng doanh thu, trong khi những người trả lời ở Trung Quốc và Mexico - hai đối tác thương mại lớn nhất ở Mỹ - cho thấy mức độ lạc quan ở dưới mức trung bình là 25% và 21%.

Trong khi đó, 33% số người được khảo sát ở Việt Nam cho biết họ "rất tự tin" về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của công ty họ, và 48% khác trả lời là "khá tự tin". Thương mại quốc tế có khả năng tiếp tục là nguồn tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam: 40% kỳ vọng tăng cơ hội doanh thu nhờ vào các hiệp định thương mại song phương mới và 34% dự báo cơ hội phát sinh từ các hiệp định đa phương mới.

Ngoài việc nhìn nhận tích cực về khả năng tăng trưởng doanh thu, 51% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư, cao hơn tỷ lệ 43% cách đây hai năm. Những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC sẽ là Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan, trong đó Việt Nam giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp.

 

Các nền kinh tế APEC sẽ thu hút thêm vốn đầu tư xuyên biên giới nhiều nhất trong 12 tháng tới (mức gia tăng ròng) (Nguồn: Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2018)

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết, “Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hong Kong... sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để tối đa hóa được các lợi ích từ những hiệp định thương mại này, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư trong nước, cũng như cải thiện các tiêu chuẩn sản xuất và lao động.”

Trong khi đó, theo ông Raymund Chao, Chủ tịch PwC Trung Quốc nhận định về quan điểm chung của các lãnh đạo doanh nghiệp khi được hỏi về tình hình thương mại trong APEC, đặc biệt sau khi Mỹ và Trung Quốc tăng các mức thuế quan trong thời gian gần đây rằng. “Mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp không muốn phải đối mặt với sự bất ổn định trong bất cứ khía cạnh nào của việc kinh doanh, đặc biệt là thương mại, họ đang học cách thích nghi với thực tế mới và tìm cách phát triển.

“Trong khi khoảng 1/5 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà chúng tôi khảo sát đã gặp phải những rào cản mới về thương mại trong năm vừa qua, số lượng CEO mong đợi những cơ hội mới từ các thỏa thuận thương mại mới đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Sẽ luôn có người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng các doanh nghiệp đang mở ra những con đường mới để phát triển.”

Ưu tiên phát triển lực lượng lao động

Thị trường việc làm cũng có triển vọng tích cực, với 56% lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC (tỷ lệ ở Việt Nam cũng là 56%) cho biết họ đang tạo thêm việc làm và chỉ 9% (Việt Nam: 14%) chủ động cắt giảm nhân sự dưới tác động trực tiếp của công nghệ lên lực lượng lao động.

Hình 2: Tác động của công nghệ lên việc làm tại các doanh nghiệp Việt Nam và APEC

(Nguồn: Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2018)

Tuy nhiên, tài năng phù hợp không phải lúc nào cũng sẵn có và các lãnh đạo doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp - khảo sát của PwC cho thấy. Khoảng cách về cung và cầu là rõ rệt nhất đối với các kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), khi mà 65% lãnh đạo doanh nghiệp APEC (Việt Nam: 76%) cho rằng chính phủ cần nỗ lực hơn để đào tạo các chuyên gia STEM, trong khi chỉ có 14% (Việt Nam: 4%) cảm thấy rằng chính phủ đã và đang nỗ lực đủ trong lĩnh vực này.

Góc nhìn này cũng được phản ánh trong câu trả lời của các lãnh đạo doanh nghiệp khi được hỏi các nền kinh tế cần điều kiện gì để đảm bảo tăng trưởng bao trùm tại APEC. Yếu tố số một mà các lãnh đạo doanh nghiệp xác định là mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng cao ở tất cả các cấp, tiếp đến là cải thiện hệ thống giao thông vận tải.

“Các vấn đề đào tạo và giáo dục rõ ràng là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC. Trong các cuộc đối thoại diễn ra tuần này tại Port Moresby, các doanh nghiệp đang đưa ra một thông điệp rõ ràng cho những người đứng đầu nhà nước về những hỗ trợ mà họ mong đợi để có thể kinh doanh thành công trong dài hạn,” ông Raymund Chao, người đứng đầu phái đoàn PwC tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Papua New Guinea cho biết.

Tiến bước nhờ chuyển đổi kỹ thuật số

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC cũng rất ý thức về yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi kỹ thuật số. Với việc nền kinh tế internet dự kiến ​​đạt tổng trị giá hơn 200 tỷ USD chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, hai ưu tiên đầu tư hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp là cải thiện khả năng tương tác với khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động của họ.

“Khi được hỏi họ mong đợi những chính sách gì để Việt Nam có thể tiến bước trong nền kinh tế kỹ thuật số, các CEO tham gia khảo sát cho biết ‘cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số’ là ưu tiên cao nhất. Vai trò của doanh nghiệp là cần xác định và trình bày các yêu cầu của họ về cơ sở hạ tầng, trong khi vai trò của Chính phủ là thấu hiểu các yêu cầu đó và triển khai các chính sách, quy định phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng số,” bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết.

Hình 3: Các lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện để tiến bước trong nền kinh tế kỹ thuật số

(Nguồn: Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2018)

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng biết rằng họ cần phải làm nhiều hơn khi nói đến kỹ thuật số. Chỉ 15% lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của họ vượt trội so với các đối thủ khác, trong khi 33% không sử dụng công nghệ AI. Những công ty tự đánh giá mình có tính cạnh tranh cao khi ứng dụng AI cũng nhận thức được rõ những việc cần làm để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của mình, đó là: gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực về AI và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp địa phương.

Mặc dù công nghệ có thể cung cấp một phần giải pháp cho vấn đề tăng trưởng bền vững, công nghệ cũng đang đưa ra những thách thức trong môi trường thương mại mới khi mà có đến 20% lãnh đạo doanh nghiệp (cao hơn tỷ lệ 17% năm 2017) cho rằng di chuyển dữ liệu xuyên biên giới là lĩnh vực đã gây ra thêm nhiều rào cản nhất cho họ trong năm qua.

“Khi các doanh nghiệp của APEC tăng cường số hóa và nắm bắt các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo thì dữ liệu sẽ dần trở thành nguồn nhiên liệu chính để đẩy mạnh thương mại toàn cầu. Việc đối phó với những rào cản gia tăng đối với việc di chuyển dữ liệu sẽ vẫn là một ưu tiên cho doanh nghiệp trong thời gian tới,” ông Raymund Chao cho biết.

Mai Chi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *