Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2015 trong ngành công thương

FICA - Bắt đầu từ tháng 3/2015, nhiều quy định, chính sách mới về ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định chi tiết về sản xuất, kinh doanh rượu; Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; Quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí...

Quy định chi tiết về sản xuất, kinh doanh rượu

Từ ngày 1/3/2015, Thông tư số 60/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể, Thông tư quy định, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp lập 2  bộ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 1 bộ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép, 1 bộ lưu tại doanh nghiệp.

Đối với trường hợp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công không phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề.

Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 606/QĐ-BCT về việc ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020 ban hành ngày 21/1/2015. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015.

Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và thực hiện của Lộ trình nhằm tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thóc, gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Quyết định 606, diện tích sản xuất lúa theo kế hoạch, phương án hoặc dự án xây dựng vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nhưng thương nhân không tổ chức mua thóc, gạo được sản xuất ra sẽ không được tính khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu, trừ các trường hợp do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh…

Quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí

Bắt đầu từ ngày 16/3/2015, Quyết định số 4/2015/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 20/1/2015 quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí sẽ có hiệu lực. Quyết định này thay thế Quyết định số 41/1999/QĐ-TTg ngày 8/3/1999.

Trong Quyết định nêu rõ, hệ thống quản lý an toàn phải đảm bảo kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ quá trình hoạt động từ khâu thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, vận hành và thu dọn công trình. Đồng thời quy định tổ chức cá nhân phải lập kế hoạch an toàn hàng năm theo quy định, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cho người lao động và có biện pháp cải thiện điều kiện lao động một cách có hệ thống; Đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện, môi trường lao động cũng như các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Cạnh tranh

Ngày 16/1/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 7/2015/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2015.

Theo đó, Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh; tiếp nhận báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh; xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh; yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại…

Nghị định về bán, giao và chuyền giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Từ ngày 1/3/2015, Nghị định số 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực thi hành.

Nghị định này thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện bán và giao doanh nghiệp theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định mới.

Theo đó, việc bán công ty TNHH một thành viên, giao và nhận chuyển giao chỉ được áp dụng đối với các công ty thuộc diện bán, giao và nhận chuyển giao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong đó, việc bán doanh nghiệp không phụ thuộc vào quy mô vốn Nhà nước của công ty, các doanh nghiệp thuộc cổ phần hóa trong đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không cổ phần hóa được. Việc giao công ty chỉ thực hiện giao cho tập thể người lao động trong công ty đối với những công ty có giá trị tổng tài sản trên sổ sách kế toán dưới 15 tỷ đồng, các doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai. Đối với việc chuyển giao công ty TNHH một thành viên chỉ thực hiện chuyển giao đối với các doanh nghiệp không thuộc diện giải thể và mất khả năng thanh toán, đồng thời kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đối với ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty nhận chuyển giao.

Quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường

Từ ngày 01/3/2015, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP  ban hành ngày 06/01/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường bắt đầu có hiệu lực và thay thế cho Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/ 12/2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.

Theo đó, Nghị định 03 quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong các trường hợp: Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái; Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.

Nghị định cũng quy định nguyên tắc tính toán thiệt hại đối với môi trường được quy định tại Nghị định như sau: Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường căn cứ vào chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất…

Nghị định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

Cũng từ ngày 1/3/2015, Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/11/ 2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về pháp luật trong khuôn khổ chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án.

Nghị định nêu rõ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật. Việc vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật được thực hiện trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược quốc gia về nợ công và nợ nước ngoài…

Nội dung thẩm định, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật bao gồm: Tính hợp hiến, hợp pháp của chương trình, dự án hợp tác pháp luật; sự phù hợp của chương trình, dự án hợp tác pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tính không trùng lặp với chương trình, dự án hợp tác pháp luật khác; Sự cần thiết, tính khả thi của nội dung hợp tác pháp luật trong chương trình, dự án; Sự phù hợp của mục tiêu, nội dung của chương trình, dự án với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện dự án của cơ quan chủ quản.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *