Nhập siêu 8,1 tỷ USD từ Trung Quốc: Sự phụ thuộc vẫn nặng nề

FICA – Dự báo thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi xu hướng nhâp khẩu tăng mạnh còn xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng do các nhân tố bên ngoài từ thị trường thế giới.

Ảnh minh họa

Theo cập nhật của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), trong quý I, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 1,8 tỷ USD. Xu hướng nhập siêu gia tăng dần dần vào các tháng cuối quý.

Kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước khi đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD, tăng 6,9%. Mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ yếu đi.

Việc xuất khẩu suy giảm được lý giải bởi 2 nguyên nhân: (1) Nguồn cung trên thị trường thế giới trong quý I gia tăng dẫn đến áp lực cho các mặt hàng của Việt Nam cạnh tranh với các nước khác. (2) Giá cả của các mặt hàng như nhiên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm đáng kể, tiêu biểu như giá dầu thô suy giảm rất lớn cuối 2014 - đầu 2015, điều dẫn đến mặc dù lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản tăng nhưng không bù nổi phần giá suy giảm.

Giá trị nhập khẩu nhóm hàng máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất gia tăng: máy móc thiết bị, máy vi tính, vải, xăng dầu, điện thoại, sắt thép, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may da giày, kim loại và hóa chất. Trong đó, nhóm tăng mạnh nhất là điện thoại, kim loại, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất và chất dẻo.

Theo quan sát của BSC, kim ngạch xuất nhập khẩu quý I tăng trưởng tốt do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm điều chỉnh tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu kể từ đầu năm. Tuy nhiên, do VND vẫn cao hơn tương đối so với các đồng tiền khác vốn đã tăng mạnh đột biến trong quý vừa qua (do neo vào USD) khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa nội trong thị trường trong nước giảm. Điều này có thể là nguyên nhân khiến hàng hóa, nguyên vật liệu từ các nền sản xuất khác rẻ hơn, dẫn đến nhập khẩu trong quý gia tăng mạnh.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng, khoáng sản và công nghiệp nhẹ gia tăng, đồng thời chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu (~86%). Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh, mang ý nghĩa không tích cực cho nền kinh tế Việt Nam vốn có thế mạnh là hàng nông lâm ngư nghiệp.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm phần lớn kim ngạch nhập khẩu (~91,7%), giảm nhẹ 0,2% so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014. Trong tỷ trọng nhóm hàng tư liệu sản xuất, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn (~51,7%), làm gia tăng chi phí cho sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh USD tăng.

Về thị trường, EU và Hoa Kỳ duy trì vị thế 2 thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu quý I. Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc khi nhập siêu tại thị trường này lên tới 8,1 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là tư liệu phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị, phụ tùng, sát thép, điện tử máy tính, điện thoại và vải.

BSC dự đoán, xu hướng nhập khẩu trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng. Cơ sở cho nhận định trên, theo nhóm phân tích, đó là việc Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ giá ảnh hưởng nhiều hơn về phía nhập khẩu do VND hiện tại được đánh giá cao hơn so với các đồng tiền khác.

Trong khi đó, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng do các nhân tố bên ngoài từ thị trường thế giới. Do đó, cán cân thương mại theo đó sẽ dịch chuyển về phía thâm hụt và có khả năng tiếp tục gia tăng trong các quý tới.

Thanh Nga

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *