Nhân lực Việt Nam bao giờ hết “xuất khẩu thô”?

Truyền thông đang đưa ra con số 72.000 cử nhân thất nghiệp, nhưng nhiều chuyên gia ngành giáo dục, dạy nghề nhận định, số lượng này đã vượt lên trên 100.000 người.

Dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, nên nhiều năm nay GS Nguyễn Xuân Hãn luôn trăn trở: Đất nước còn nghèo, nhưng cả hệ thống giáo dục lại sa đà vào tăng số lượng tuyển sinh, không quản lý nghiêm minh dẫn đến quá dễ dãi với chất lượng đào tạo, nên hệ quả sinh viên ra trường không đáp ứng đòi hỏi của xã hội, vì vậy thất nghiệp, gây lãng phí và tạo ra bất ổn xã hội nghiêm trọng. Ông đã có cuộc trao đổi với LĐCT xung quanh vấn đề này.

Khi đại học là… học đại?

GS có suy nghĩ gì về lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp quá lớn như hiện nay?
 

- Tôi thấy không có gì khó hiểu khi đây là hệ quả của việc ngành giáo dục quá tập trung về phát triển số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực luôn trong trạng thái thách thức của ta từ nhiều năm trước, tuy nhiên, cách thức tổ chức đào tạo thì ngày càng đi ngược, không đáp ứng thách thức này. Điển hình mới nhất là việc Bộ GDĐT thay đổi cách tính điểm sàn bằng việc thay một mức điểm sàn bằng nhiều mức điểm khác nhau. Đây thực chất là hợp lý hóa việc hạ thấp tiêu chuẩn vào các trường ĐH, CĐ để tăng tuyển sinh. Vấn đề điểm sàn chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong bài toán tổng thể của việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, qua đó thấy rằng, muốn giảm lượng sinh viên thất nghiệp, thậm chí có thể đàng hoàng “xuất khẩu” lao động có trình độ ra nước ngoài thì phải chú trọng chất lượng và nhanh chóng chấm dứt phát triển tràn lan số lượng đầu vào hiện nay.

  

Theo GS, những nguyên nhân nào khiến tình trạng dư thừa nhân lực ngày càng nhiều?

- Có nhiều nguyên nhân, cơ bản là ngành giáo dục không có bài toán tổng thể cho cơ sở tính toán cơ cấu nguồn nhân lực, trong khi đó, mỗi người quản lý một khúc, một công đoạn và sính bắt chước ngoại, chứ không xuất phát từ thực tiễn VN, cũng như quan tâm từ góc độ kinh tế quyết định quy mô phát triển. 
 
Hơn nữa, nền giáo dục thiếu cái nhìn tổng thể xa hơn. Đất nước mình đang nghèo thì đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ để làm gì? Điều kiện đất nước chưa cần nhiều về số lượng lao động trí óc đến thế. Nếu xác định dài hạn hơn, tại sao không đào tạo để xuất khẩu đi nước ngoài? Khi mà EU đang thiếu đến hàng chục triệu cán bộ trình độ cao và chỉ có thể nhập khẩu nhân lực từ Trung Quốc, Ấn Độ. VN nếu không tập trung chất lượng thì không thể hướng ra nước ngoài khi nhu cầu ở các nước đang thiếu. Việc cứ ồ ạt mở rộng quy mô số lượng thì bất ổn ngày càng tăng, học đại học chẳng khác nào học đại để lấy bằng cử nhân bằng mọi giá mà không tính toán đến nhu cầu đầu ra, nên thất nghiệp là điều đương nhiên.
 
Nghĩa là theo GS, chú trọng đào tạo chất lượng để không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà xa hơn, có thể xuất khẩu ra nước ngoài?
 
- Hiện nay đào tạo chất lượng đang không đạt yêu cầu, gây lãng phí của xã hội vì đào tạo ra không dùng được, trong khi vẫn thiếu nhân lực có chất lượng. Theo tôi đã đào tạo đại học thì phải đào tạo chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Nguồn nhân lực phải đạt chuẩn quốc tế và không chỉ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng chất lượng lao động ngoài nước.
 
Mục tiêu này có quá xa vời không khi ngay cả đào tạo trong nước đã bất ổn, không đạt chất lượng?
 
- Rõ ràng là không ổn, muốn thế thì trước tiên đừng mở rộng quy mô tuyển sinh nữa, đừng mở thêm ĐH và CĐ cả công lập và ngoài công lập. So với năm 1987, số lượng sinh viên nước ta hiện nay nhiều gấp 15 lần, còn số trường ĐH nhiều gấp 5 lần, trong khi đó số GV thiếu nghiêm trọng, đặc biệt các GV đầu ngành. Có thời điểm cứ mỗi tháng ra một trường ĐH, hệ quả là bây giờ tràn lan các trường ĐH. 
 
Ngành giáo dục không nghiên cứu thực tiễn, phát huy nội lực để có một chiến lược xây dựng nguồn nhân lực của mình phục vụ CNH, HĐH trong kỷ nguyên thông tin. Người Israel đào tạo nhân lực chất lượng rất cao, phần thừa ở trong nước, được xuất khẩu làm việc ở nước tiên tiến, còn ta chỉ xuất khẩu giản đơn, đúng hơn là “xuất khẩu thô”, và người có bằng ĐH thì thừa nhiều quá song không đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng lao động của xã hội.
 
Nhất thiết phải giảm đại học,tăng dạy nghề!
 
Vậy với tình trạng này, theo GS cần có những cách làm nào để giảm tình trạng thất nghiệp cử nhân, tăng chất lượng đào tạo?
 

- Đây là câu hỏi quá rộng, bao quát nhiều vấn đề. Dù làm cách nào, theo tôi cũng cần phải đặt vấn đề chất lượng theo chuẩn mực quốc tế làm đầu. Thứ hai, nhanh chóng ổn định chương trình GD ĐH, và sớm có đủ sách cho SV. Giải quyết việc này so với GD phổ thông đơn giản hơn nhiều, miễn là thay đổi con người và tổ chức. Thứ ba, phải xem xét kỹ cơ cấu nguồn nhân lực. 

Có một điều khá nguy hiểm là từ những năm 1990, Nhà nước đã xem nhẹ việc dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân. Không như ở nhiều nước, học hết lớp 9 đã có 50 - 60% học sinh rẽ sang học nghề. VN lúc đó bỏ qua mốc này, hệ thống giáo dục quốc dân từ đó chỉ còn còn mô hình GD hình trụ, đầu vào lớp 1 và đầu ra ĐH. Thụy Sĩ có 80 trường ĐH thì có đến 2/3 là cao đẳng nghề, mặc dù đời sống cao, kinh tế rất phát triển. 

Cơ cấu nhân lực cũng là một yếu tố cần bàn. Năm 2005, ngành giáo dục dự kiến đến 2020 có 450.000 sinh viên, 900 trường ĐH, CĐ. Tôi đã giật mình khi không hiểu cơ sở nào để có thể “đẻ” ra chừng đó trường ĐH. Hóa ra là ngành giáo dục đã tính toán rất máy móc khi đối chiếu với Nhật Bản, bởi năm 2020 VN sẽ có dân số bằng số dân của Nhật vào năm 2005. Lúc đó Nhật Bản có 900 trường. Và vì thế ta cũng đưa ra mốc 900 trường. Phản biện dự án này tôi có viết đăng ở Báo Lao Động ngày 10.9.2005, với thông tin GDP của Nhật lúc đó 6.000 tỉ USD, trong khi Việt Nam chỉ 40 tỉ USD, kém họ đến... 150 lần. Tranh luận mãi, đến 2007 Thủ tướng ký Quyết định thành lập 576 trường ĐH, CĐ đến 2020. Cách tính toán cho thấy đã hỏng từ gốc tư duy ban đầu, chỉ tính toán một cách rất cơ học mà không xét đến yếu tố chênh lệch kinh tế, xã hội và thực tiễn VN. 
 
Việc tính toán nguồn nhân lực những năm tới, theo GS cần tập trung những khâu nào để giảm lượng, tăng chất?
 

- Trước hết phải sửa hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó nâng cao vị trí của giáo dục hướng nghiệp. Thứ hai, phải theo chủ trương đào tạo nhân lực phục vụ cho cả trong và ngoài nước. Thứ ba, cần xem xét đội ngũ giáo viên, sách vở, cơ sở vật chất. Hiện giảng viên thiếu từ 20.000 - 30.000 người so với chuẩn mực chung sinh viên/GV, đặc biệt là GV trình độ cao. 

Theo tôi, nên kêu gọi tất cả các thầy giáo có học hàm GS, PGS, TS đã về hưu quay lại dạy học, miễn là có năng lực, còn sức khỏe theo đúng truyền thống “thầy già con hát trẻ”. Ngành kinh tế trung bình mỗi giáo viên “gánh” 60 sinh viên thì lấy đâu ra chất lượng? Ngoài ra, muốn có chất lượng phải sớm có chương trình ĐH chuẩn của nước mình theo chuẩn quốc tế, tránh sao chép và nhập khẩu, chú trọng diện tích và cơ sở vật chất của các trường ĐH. 

GS có nhắc đến yếu tố cần sửa đổi hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó chú trọng đến việc dạy nghề. Yếu tố này có quyết định đến bài toán nguồn nhân lực nước ta không, thưa GS?
 
- Con số 72 nghìn cử nhân thất nghiệp, theo nhiều chuyên gia trong ngành thì thực tế còn nhiều hơn, thậm chí còn nhiều gấp đôi. Tình trạng có thể nói là báo động rồi! Nếu chỉ ngồi bàn chuyện điểm sàn mà không bàn chuyện tổng thể thì nền GD càng mất phương hướng, quẩn quanh và không khác gì “múa gậy trong bị”. Vì thế, nhất thiết phải giảm sinh viên đại học, tăng học viên học nghề, muốn thế phải xem xét cải tổ hệ thống giáo dục quốc dân - phân luồng HS sau lớp 9, nâng cao vị trí của dạy nghề. 
 
Trách nhiệm của Bộ GDĐT trong câu chuyện này là gì, thưa GS?
 
- Ngành giáo dục cũng cần xem xét cách thức quản lý. Đặc biệt với các ngành hấp dẫn, cần thiết nhất. Bộ GDĐT cần chấm dứt tình trạng “khép, mở” các ngành mà thiếu căn cứ khoa học cũng như thiếu sự dứt khoát. Nếu Nhà nước, Bộ GDĐT cứ “chiều” đáp ứng theo sự “xin - cho” của các trường thì xã hội sẽ tiếp tục khủng hoảng thừa nguồn nhân lực, thậm chí sự khủng hoảng còn trầm trọng hơn. Cần xem xét mọi mặt ở chiến lược tổng thể, từ hệ thống giáo dục quốc dân, cân đối cơ cấu nguồn nhân lực, đồng thời song song là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… 
 
Trân trọng cảm ơn GS!
 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn là TSKH toán lý ở Liên Xô. Năm 1976 về công tác tại ĐHTH Hà Nội (nay là ĐHQGHN), sau được Nhà nước cử đến làm việc nhiều Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và các trường ĐH truyền thống trên thế giới. GS đã có 70 công bố, trong đó có hơn 50 bài đăng ở các Tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài, từng là Ủy viên Hội đồng Quốc gia GD (Chủ tịch là Thủ tướng Phan Văn Khải), là một trong những người tư vấn cho lãnh đạo về GD, đã được Hội Khuyến học VN, Mặt trận TQVN, Liên hiệp Hội KHKT VN và HN tổ chức nhiều hội thảo về GD góp ý xây dựng các chính sách GD - ĐT. 
 
Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Lao động
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *