Người nghèo được hỗ trợ 30.000đ, đi xe ôm đến lấy tốn... 50.000đ

FICA - Cứ 3 hộ mới thoát nghèo thì 1 hộ tái nghèo; cùng lúc có 16 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm nghèo nên nguồn lực bị cắt nhỏ; để lấy một khoản hỗ trợ 30.000đ, người dân có khi đi xe ôm đến nhận hết 50.000đ…

Đây là những vướng mắc, trăn trở được nêu ra tại hội nghị triển khai công tác năm 2014 về giảm nghèo bền vững chiều 20/2 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì.

Hiệu quả giảm nghèo: Chỉ ở mức trung bình

Báo cáo của Ban Chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững thể hiện, công tác giảm nghèo được thực hiện ngày một hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào nghèo ở các vùng, địa phương trên cả nước. Kết quả giảm nghèo của cả nước và từng địa phương cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 7,8% trong 8 năm qua, đáp ứng được đời sống thiết yếu về giáo dục, y tế, văn hóa của người nghèo. Cả nước bình quân giảm 2%/năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.

Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thời gian qua, về cơ bản, hệ thống chính sách giảm nghèo đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Một số cơ chế chính sách đang tiếp tục được nghiên cứu để hỗ trợ cho hộ nghèo như chính sách hỗ trợ nhà ở cho giai đoạn tới; chính sách hỗ trợ giá bán lẻ điện đối với hộ nghèo và hộ chính sách xã hội...

Nhìn chung, các chính sách giảm nghèo hiện hành tương đối hệ thống, bao trùm mọi mặt của đời sống người nghèo. Người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách ưu đãi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo kế hoạch, đời sống người nghèo được từng bước nâng lên, cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo được cải thiện.
 
Người nghèo được hỗ trợ 30.000đ, đi xe ôm đến lấy hết 50.000đ
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Tôi giật mình với con số cứ 3 hộ vừa thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo" (ảnh: Chinhphu.vn).
 

Tuy nhiên, cũng nhiều điểm hạn chế đã được chỉ ra. Đầu tiên là vấn đề, do có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm nghèo (16 Chương trình) nên nguồn lực thực hiện không đảm bảo.

Một số chính sách bị chồng chéo hoặc phân tán trong quá nhiều chương trình (như chính sách dạy nghề cho người nghèo, các chương trình tín dụng ưu đãi); một số chính sách mức hỗ trợ thấp (như chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, chính sách hỗ trợ đời sống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số)...

Theo đó, kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc, địa bàn các xã nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn chiếm khoảng 50% trong tổng số hộ nghèo cả nước; tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu, bản thân cũng “giật mình” với con số khái quát, cứ 3 hộ vừa thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo.

Trăn trở về nguồn tiền để hỗ trợ nhiều hơn các đối tượng, cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo, Phó Thủ tướng phân tích: “Nhiều chương trình quá nên mức vay của dân thấp, nhiều khi không làm được việc gì trọn vẹn. Nên gộp các chính sách để có nguồn lực hỗ trợ và cho dân vay nhiều hơn, giúp người dân chủ động làm ăn”.

Thống nhất nhận định của Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững, đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, chính sách được ban hành không chồng chéo nội dung. Vấn đề là quá nhiều chính sách mà thực ra có thể gom lại theo từng nhóm. Qua hoạt động giám sát của Bộ KH-ĐT, vị này dẫn chứng, nhiều chương trình đến vùng sâu vùng xa, để nhận được tiền, chi phí để người dân đi xe ôm đến trung tâm huyện, xã có khi đã bằng số tiền hỗ trợ cho một quý nhận được. Nếu đi đường còn làm cút rượu thì khả năng còn… lõm.

“Kết quả giảm nghèo chắc chắn có nhưng hiệu quả giảm nghèo có cao không, thì chúng tôi cho rằng chỉ ở mức trung bình, vì nguồn lực phân tán, việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả” – đại diện Bộ KH-ĐT khái quát.

Nhận hỗ trợ 30.000đ, đi xe ôm đến lấy hết 50.000đ

Đại diện Bộ KH-ĐT kiến nghị giảm bớt kiểu hỗ trợ “cho không”. Ví như mức giá bán điện cho hộ nghèo đang ở mức thấp, vậy nên dùng các khoản để trả tiền điện luôn cho những hộ sử dụng dưới 50 kwh sẽ hay hơn, không giao tiền mặt để người dân đỡ phải đi lại nhận tiền, thêm tốn phí.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi lại, trước đây nhà nước đã từng thực hiện chính sách hỗ trợ này thông qua ngành điện lực, tức cung cấp điện mà không thu tiền nhưng sau cũng có nhiều ý kiến góp ý cho rằng nếu làm vậy người dân sẽ không tiết kiệm vì không biết được hưởng bao nhiêu. Vì vậy, việc hỗ trợ mới chuyển sang hướng đưa tiền để người dân dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu. Sau nữa, vấn đề còn liên quan đến việc “đong đếm” hiệu quả hoạt động của DNNN, nếu không minh bạch, chi ly phần hoạt động công ích và kinh doanh thì khó đánh giá, giải thích.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận “cái lý” trong hướng lập luận này vì nếu khoản hỗ trợ tiền điện chỉ 30.000 đồng mà người dân phải chi phí hết 50.000 đồng đề đến nhận rõ ràng là không ổn. Phó Thủ tướng yêu cầu, phải tính làm sao để có lợi nhất cho dân.

Để khắc phục những hạn chế này, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành cần thống nhất về quan điểm thiết kế chính sách phù hợp để giảm nghèo bền vững; phân biệt rõ các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ chính sách xã hội để xác định đối tượng cho vay; tập trung hỗ trợ cho các “vùng trũng,” nhiều khó khăn về điều kiện sản xuất, trình độ, hạ tầng cơ sở...

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần tăng cường rà soát, sắp xếp lại các chính sách của mình, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong thiết kế chính sách. Quá trình triển khai xây dựng chính sách cần xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý chặt chẽ đối tượng, cân đối nguồn lực phù hợp. Các địa phương cần quán triệt hành động, vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương một cách năng động, sáng tạo, hiệu quả.

Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững cũng nhấn mạnh vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Để tạo thêm động lực thoát nghèo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ xây nhà chống lũ ở miền Trung và cho rằng cần có 3 loại “tiền hỗ trợ”. Thứ nhất là tiền Nhà nước hỗ trợ “vốn mồi” cho bà con làm nghề, khoản thứ hai là tiền đối ứng để Nhà nước cho vay, khoản thứ ba là vay ưu đãi tín dụng 3%/năm trong thời gian từ 5-10 năm.

Ngoài ra chính sách giảm nghèo cần mở rộng sang các đối tượng “cận nghèo”, “mới thoát nghèo” để tiếp tục hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

P.Thảo

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *