Lấy phiếu tín nhiệm kiểu an toàn cho cán bộ, người dân bức xúc

FICA - UB Thường vụ đề xuất sửa giảm tần suất lấy phiếu và giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm thì đại biểu Quốc hội cho là cần làm ngược lại.

Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc sửa Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

 

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn nhận xét “buồn vì dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm đi chỉnh nội dung sửa mà người dân ghi nhận, khen ngợi – đó là việc lấy phiếu, đánh giá tín nhiệm định kỳ hàng năm thì lại sửa trong khi nội dung bị chê, không nhận được nhiều ủng hộ lại giữ nguyên – đó là việc thiết kế phiếu tín nhiệm với 3 mức.

 

Hướng đề xuất giảm tần suất lấy phiếu từ 4 lần/nhiệm kỳ (bắt đầu lấy phiếu từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, mỗi năm lấy phiếu một lần) như hiện nay xuống mức 1 lần/nhiệm kỳ, ông Thuyền cho là quá ít. Đại biểu kiến nghị tổ chức lấy phiếu tối thiểu 2 lần/nhiệm kỳ.
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Nội dung được khen thì sửa, nội dung bị chê lại giữ nguyên.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Nội dung được khen thì sửa, nội dung bị chê lại giữ nguyên".

 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng cho rằng, việc lấy phiếu nhằm mục đích nâng cao hiệu lực giám sát của đại biểu Quốc hội nên cần để đại biểu thể hiện chính kiến với người mình đã bầu ra ít nhất 2 lần/nhiệm kỳ. Việc đó giúp người lấy phiếu thấy rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình để phấn đấu thêm.

 

Nếu chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, ông Hoàng băn khoăn, tần suất đó mới chỉ giúp cán bộ thấy là bản thân còn thiếu sót nhưng cũng không ảnh hưởng gì, đằng nào cũng hết nhiệm kỳ rồi.

 

Kiến nghị tăng tần suất lấy phiếu, ông Hoàng trấn an, đại biểu và người dân chắc chắn sẽ đánh giá công bằng cho những người biết phấn đấu thôi, không lo có gì thua thiệt. Theo đại biểu, nên thiết kế một lần lấy phiếu nữa vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Kết quả lấy phiếu lần này là để xác định bản lĩnh của người ở vị trí đứng đầu, làm cơ sở cho TƯ chuẩn bị cho công tác nhân sự của nhiệm kỳ tiếp theo.

 

Về việc thiết kế phiếu, ông Nguyễn Bá Thuyền bác lập luận về việc giữ nguyên 3 mức phiếu đánh giá tín nhiệm (tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp) là để đm bảo mục đích của lấy phiếu không nhằm xử lý cán bộ như quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Thuyền lật lại, mục đích đã là thăm dò tín nhiệm thôi thì không có gì phải ngại.

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội không tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cả Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao vì cho rằng 2 chức danh này không cùng hệ thống đánh giá. Ngoài ra, theo ông Hùng, không nên đưa 2 người đứng đầu cơ quan tư pháp ra đo đếm tín nhiệm để đảm bảo tính độc lập của tòa án và viện kiểm sát.

 

Ngược lại, ở địa phương, ông Hùng lại kêu gọi bổ sung thêm đối tượng cần lấy phiếu là các Giám đốc Sở, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, dù một số chức danh có thể không phải là thành viên của UBND.

 

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội tán thành quan điểm không giữ 3 mức đánh giá trong phiếu tín nhiệm vì dư luận “chê” nhiều là lấy phiếu như vậy quá hình thức, an toàn cho cán bộ vì dù gọi là tín nhiệm cao hay thấp thì cũng vẫn là “tín nhiệm”. Ông Hùng dẫn chứng, kết quả lần lấy phiếu “thử” tại Quốc hội 1 năm trước cho thấy, người thấp phiếu nhất thì cũng vẫn ở mức… tuyệt đối an toàn. Ở địa phương, cũng chỉ 2 cán bộ cấp huyện, xã có số phiếu thấp quá bán.

 

Phương án thiết kế phiếu chỉ với 2 mức đánh giá tín nhiệm – không tín nhiệm, ông Hùng nhận xét, giúp thể hiện thái độ một cách thẳng thắn nhưng lại hơi giống hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm.

 

Vì vậy, để dung hòa, đại biểu vẫn kiến nghị giữ 3 mức đánh giá nhưng theo hướng  thể  hiện “tín nhiệm tiếp tục công việc được giao – bố trí công tác khác – nên từ chức” để phù hợp với mục đích, yêu cầu đề ra là lấy phiếu làm cơ sở để đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Kết quả như thế vừa thể hiện được thái độ rõ ràng hơn với từng chức danh, không quá an toàn như hiện nay nhưng cũng không quá nghiệt ngã như 2 mức đánh giá trong bỏ phiếu bất tín nhiệm.
 
Đại biểu Trần Văn Độ: 3 mức tín nhiệm là hình thức, người dân rất bức xúc.
Đại biểu Trần Văn Độ: "3 mức tín nhiệm là hình thức, người dân rất bức xúc".

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng nhận xét, thiết kế 3 mức đánh giá thì… rất lạ, không giống ai. Ông Đương phân tích, thực chất của hoạt động bỏ phiếu không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh cán bộ mà còn để khuyến khích và thôi thúc người dám làm, dám nghĩ.

 

“Người xả thân có thể mắc khuyết điểm này, sai sót khác nhưng xã tắc cần những con người như thế, nhất là trong lúc đất nước khó khăn. Họ vận động, thay đổi làm cả xã hội tiến lên theo. Lấy phiếu tín nhiệm phải tính cả đến điều này” - ông Đương nhấn mạnh.

 

Vì vậy, đại biểu cũng kiến nghị chỉ giữ 2 mức đánh giá trong phiếu tín nhiệm. Sau khi có kết quả sẽ định lượng cụ thể, ví dụ, số phiếu không tín nhiệm chiếm trên 50% nghĩa là mức tín nhiệm của cán bộ đó thấp, số phiếu tín nhiệm trên 80% nghĩa là cán bộ được tín nhiệm cao. Cách thức đo đếm này, theo đại biểu là định tính trước, định lượng sau. Hướng làm ngược như hiện nay là định lượng trước, định tính sau làm phân tán số phiếu, kết quả thể hiện không sát thực tế, người dân sẽ chê.

 

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) – Phó Chánh án TAND tối cao cảnh báo: “Để 3 mức tín nhiệm là hình thức chứ không phải là thận trọng, người dân rất bức xúc”.

 

Trái với ý kiến của phần lớn các ý kiến phát biểu, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại tán thành hướng thiết kế 3 mức tín nhiệm để cán bộ tự đánh giá, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, cũng là để người bỏ phiếu có nhiều lựa chọn hơn. Theo ông Danh Út, thực tế, dù phiếu có để 3 mức nhưng nhiều cán bộ đã rất ý thức trong quá trình phấn đấu, hoàn thiện mình.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng để 3 mức đánh giá là phù hợp, vì lấy phiếu tín nhiệm khác với bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng phải sửa lại tên gọi của 3 mức tín nhiệm này.

 

P.Thảo

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *