Không dễ đạt "KPI" cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2018

Báo cáo về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của CTCP Chứng khoán VNDIRECT mới đây đánh giá, đã có sự giảm tốc rõ rệt về thoái vốn trong những tháng gần đây.

Hình minh hoạ

Đường còn dài

Trong nửa đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 19 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tổng giá trị doanh nghiệp được định giá là 40.600 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD). Theo phương án được phê duyệt, sau cổ phần hóa và thoái vốn, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 58,8% cổ phần, bán cho người lao động 0,5% cổ phần, và bán ra bên ngoài 41,7% cổ phần thông qua IPOs và bán cho các nhà đầu tư chiến lược, đánh dấu sự chuyển biến trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn DNNN từ chào bán một lượng nhỏ cổ phần sang bán cả lô với số lượng lớn, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn cho các thương vụ IPOs và thoái vốn DNNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã hoàn thành công tác cổ phần hóa tại 16 DNNN, bằng 73% số thương vụ cổ phần hóa hoàn thành được trong cả năm 2017. Tám trong số các doanh nghiệp này nằm trong kế hoạch cổ phần hóa của năm 2017, các doanh nghiệp còn lại thuộc kế hoạch cổ phần hóa của năm 2018.

Trong số này có nhiều tên tuổi lớn như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPOWER), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3). Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, tổng vốn điều lệ của 16 doanh nghiệp trên đạt hơn 136.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 54,1% số cổ phần sau khi hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn, bán ưu đãi cho người lao động 0,5% cổ phần và bán 45,4% cổ phần còn lại ra bên ngoài thông qua hình thức IPOs và bán cho các đối tác chiến lược.
Nhà nước đã thu về được 22.500 tỷ đồng từ đợt IPOs các doanh nghiệp này và hiện tại đang bước vào giai đoạn 2 là tìm kiếm các đối tác chiến lược tiềm năng để tiếp tục thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã định. 

Cũng trong nửa đầu năm 2018, Chính phủ đã thoái vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp, thu về gần 5.600 tỷ đồng (gấp 3 lần giá trị phần vốn nhà nước trước thoái vốn). Như vậy, theo thước đo giá trị là số tiền Nhà nước thu về từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc DNNN đang tăng tốc và thu về những kết quả khả quan trong một vài năm vừa qua.

Tổng hợp lại, Nhà nước đã thu về 28.100 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN trong nửa đầu năm 2018, trong đó 22.500 tỷ đồng thu về từ các đợt IPOs và 5.600 tỷ đồng từ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ trước. Tổng số tiền thu về từ các đợt IPOs DNNN trong nửa đầu năm nay đã gấp 4 lần số tiền thu về trong cùng kỳ năm 2017. Kể từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã thu về 198.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN, trong đó năm 2016 thu về 30.000 tỷ đồng, năm 2017 thu về tới 140.000 tỷ đồng (trong đó riêng thương vụ tại Sabeco thu về 110.000 tỷ đồng), và nửa đầu năm 2018 thu về 28.100 tỷ đồng. Tổng số tiền thu về từ 2016 đến nay đã gấp hơn 3 lần số tiền thu về từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong giai đoạn 2011-2015.

Từ 2016 đến nay, tổng số tiền nộp vào ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đạt 115.000 tỷ đồng và đã đạt 46% số kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2020. Con số này cũng đã cho thấy công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đang đi khá sát với kế hoạch đã đề ra của Quốc hội và Chính phủ.

Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn còn đang ở trước mắt. Đối với công tác cổ phần hóa DNNN, trong số 85 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018, mới chỉ có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong nửa đầu năm 2018.

Trong khi đó, công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng đang chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, Chính phủ mới chỉ thoái vốn thành công tại 17 trên tổng số 135 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước của năm 2017. Số doanh nghiệp còn lại do đó bị lùi kế hoạch thoái vốn sang năm 2018 và điều này khiến khối lượng công việc phải thực hiện trong năm 2018 là rất lớn. Tổng số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn nhà nước trong năm 2018 lên tới 181 doanh nghiệp, trong khi 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Do đó, khối lượng công việc còn lại trong năm nay là rất lớn.

Chính phủ sẽ tiêp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn


Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại VNDirect, nhiều cái tên đáng chú ý nằm trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước cần hoàn thành quá trình cổ phần hóa trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 sắp tới. 

 

 
Một số công ty cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để thoái vốn nhà nước như CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR, UPCOM), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL, UPCOM) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW, UPCOM).

Cùng với đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng buộc phải đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG, HNX), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC, HOSE), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC, HOSE) và CTCP Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol (VNC, HNX).

Nguyễn Mạnh

Chủ đề: cổ phần hóa , doanh nghiệp , ipo Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *