Không cổ phần hóa lấy lệ

Kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 2 năm 2014 - 2015 đang được nỗ lực thực hiện. Thời gian còn lại không nhiều, song vấn đề đặt ra không phải chỉ là số lượng, mà còn là chất lượng cổ phần hóa ra sao, để không có chuyện cổ phần hóa lấy lệ, gây tốn kém mà không đạt mục tiêu cuối cùng là thay đổi cấu trúc sở hữu để thay đổi quản trị.

Nói điều này là bởi, cho tới thời điểm cuối năm 2014, trong số 432 DNNN cần cổ phần hóa, Việt Nam mới thực hiện được 143 doanh nghiệp. Và dù tới thời điểm này, toàn bộ 289 DNNN cần cổ phần hóa còn lại trong năm nay cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, trong đó 29 DN đã cổ phần hóa, song con số 260 DNNN còn lại cũng không hề đơn giản. Thậm chí, theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thì đó là một “quá trình cam go”.

Dẫu vậy, số lượng chỉ là một vấn đề. Câu chuyện cam go hơn là làm sao để việc cổ phần hóa không phải chỉ là chuyện lấy lệ, chỉ mang tính chất hình thức.

Hơn 20 năm qua, thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN, chúng ta đã giảm từ 12.000 xuống còn 800 DNNN nắm giữ 100% vốn nhà nước hiện nay. Một kết quả có thể coi là thành công, nếu nhìn vào số lượng. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng thì không ít DNNN chỉ cổ phần hóa lấy lệ. Cổ phần hóa, nhưng có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Nhà nước vẫn nắm giữ tới 95% cổ phần chi phối và không hề có sự thay đổi về nhân sự, về quản trị công ty, về hiệu quả hoạt động…

Đó là lý do việc cổ phần hóa của nhiều DNNN không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân. Họ chẳng dại gì bỏ tiền ra mua cổ phần của DNNN để rồi không được tham gia điều hành, không thay đổi được phương thức quản trị, để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Một dẫn chứng để chứng minh. Cách đây chưa lâu, hai tổng công ty lớn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện cổ phần hóa và IPO. Tổng công ty Điện lực Vinacomin, với vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, chào bán 2.364 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ bán được 12 tỷ đồng, tương đương 0,2% vốn điều lệ và 0,5% số cổ phần chào bán. Còn Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, chào bán 460 tỷ đồng, nhưng chỉ bán được 14 tỷ đồng, tương đương 0,7% vốn điều lệ và 3% cổ phần chào bán.

Sự thất bại của Vinacomin trong IPO đã khiến lãnh đạo tập đoàn này lo ngại về một sự “hình thức” trong cổ phần hóa. Không chỉ là hình thức, mà còn là tốn kém song vẫn không đạt được mục tiêu quan trọng nhất của cổ phần hóa DNNN là thay đổi cấu trúc sở hữu để thay đổi quản trị, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ về việc cổ phần hóa DNNN là điều đã được khẳng định. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đốc thúc các DNNN thực hiện cổ phần hóa. Thậm chí, Thủ tướng đã “lệnh” xử lý nghiêm lãnh đạo thực hiện không có kết quả tái cơ cấu DNNN.

Trong một văn bản vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi, thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc cổ phần hóa DNNN cũng đã nhấn mạnh rằng, các bộ, ngành phải khẩn trương ban hành chính sách, cơ chế về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN và hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, nhằm hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN trong năm 2015.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đã chỉ đạo làm rõ tính thực tiễn, mục đích, ý nghĩa và nguyên tắc của việc bán cổ phần theo lô, nhằm thúc đẩy tiến trình này.

Điều quan trọng nhất lúc này là phải làm sao để cổ phần hóa, đổi mới DNNN một cách thực chất, để làm sao nhiều cổ đông tham gia và thực sự có vai trò để làm thay đổi quản trị doanh nghiệp.

 
Theo Nguyên Đức
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *