HSBC: Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn!

FICA – Những thành công trong xuất khẩu chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp FDI, trong khi hiệu suất của các doanh nghiệp trong nước lại gây thất vọng. Theo HSBC, nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi như thuế để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa phát hành, HSBC nhận xét, ngược với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước vẫn không thành công trong việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam.

Mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hàng quý chỉ dừng chân ở mức 10,6 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều giảm trong quý I/2015 và quý IV/2014. Trong quý I, thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước mở rộng ở mức 3,8 tỷ USD so với mức 2,4 tỷ USD trong quý I/2014. Các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm chính cho việc thâm hụt thương mại nói chung của Việt Nam tăng thêm ở mức 1,8 tỷ USD trong quý I/2015. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại có mức tăng thặng dư thương mại từ 2 tỷ USD trong quý I/2014 lên 3,5 tỷ USD trong quý I/2015.

Điều này cho thấy, trong 5 năm qua, câu chuyện xuất khẩu xuất sắc của Việt Nam phần lớn là nhờ vào sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo HSBC, điều này không hẳn là một sự phát triển xấu khi đã đem lại cho các doanh nghiệp trong nước cơ hội để khai thác các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, hiệu suất đáng thất vọng của các doanh nghiệp đầu tư torng nước cho thấy quá trình này đang không xảy ra đủ nhanh và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI bị giới hạn. Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi như thuế để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao.   

Trong khi tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại, nhập khẩu lại phục hồi do nhu cầu nội địa mạnh lên dẫn dắt. Một khi nhân công lao động vẫn là yếu tố giá trị gia tăng chính của Việt Nam và hầu hết nguyên liệu đầu vào đều được nhập khẩu thì chỉ số tăng trưởng nhập khẩu cao còn được thể hiện.

Theo phân tích của HSBC, về ngắn hạn, điều này không đáng lo ngại và chỉ nhấn mạnh thêm quy mô tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự gia tăng mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như số liệu nhập xe ôtô đã tăng 78,5% trong quý I/2015 so cùng kỳ năm trước.

Du lịch chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ

Một lĩnh vực khác cũng đang chịu áp lực là du lịch. Tăng cạnh tranh đang ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ truyền thống của Việt Nam. Số liệu cho thấy, lượng khách du lịch vào Việt Nam đã tăng rõ rệt kể từ năm 2009, đạt 7,9 triệu khách vào năm 2014. Phần lớn khách du lịch là người Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và Nga. Nhưng số lượng khách du lịch đã giảm 13,7% trong quý I/2015 so với năm ngoái.

Một phần nguyên nhân là do đồng Việt Nam tăng giá trên cơ sở tỷ giá thực hữu dụng. Người Nhật Bản, châu Âu và Úc đều kinh qua việc sức mua yếu hơn trên cơ sở so sánh với đồng USD, khiến họ kém mặn mà với việc đi du lịch lúc này. Cộng thêm đồng yen, euro và đô la Úc lại yếu đã làm lượng khách du lịch đến Việt Nam chuyển hướng, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, khiến cho ngành du lịch của Việt Nam chịu tác động kép. 

Nhưng về cơ bản, dù là xuất khẩu hay du lịch của các doanh nghiệp trong nước, năng lực cạnh tranh đang giảm dần không chỉ đơn thuần là yếu tố giá cả. Có thể thấy, lượng khách du lịch nước ngoài của Thái Lan song song với khách du lịch đến Việt Nam. Khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng rộng cho thấy việc lựa chọn Thái Lan là một điểm đến ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch toàn cầu. Thủ tục xin thị thực rườm rà cùng với chi phí cao và cơ sở hạ tầng bị giới hạn cũng là những nguyên nhân góp phần vào đó. 

HSBC cũng đánh giá, tăng trưởng cho vay đang hồi phục rõ rệt với mức tăng 15,5% trong quý I/2015 so cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so cuối năm 2014, mặc dù con số này đa phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi góp thêm. Theo Bloomberg, NHNN đang nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ mức 13 – 15% trước đây lên thành 17% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 6,2% của Chính phủ.

Nếu như cho vay tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng rộng. Trong khi các kế hoạch cải cách đối với ngành ngân hàng đang được tiến hành một cách chậm chạp, thì tăng trưởng tín dụng nhanh lại trở thành mối lo, đặc biệt là đối với những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả như bất động sản. Phần đóng góp của tín dụng cho GDP đã tăng đến mức 100% trong năm 2014 so với mức 95% vào năm 2012.

Vẫn còn cơ hội giảm lãi suất

HSBC đánh giá, NHNN quan tâm sát sao đến tăng trưởng. Một mặt, Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất khẩu với giao dịch bằng đường biển đóng góp đến 81% GDP của năm 2014. Du lịch cũng là một ngành quan trọng. Tỷ giá danh nghĩa thực hữu dụng tăng đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặt khác, NHNN cũng phải cân nhắc đến chính sách giảm bớt những động cơ nắm giữ USD và vàng trong nền kinh tế. Tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm từ mức 21% của  năm 2009 xuống còn 14% của GDP.

Trong buổi gặp gỡ báo chí gần đây, Phó Thống đốc NHNN – bà Nguyễn Thị Hồng đã nói “Chúng tôi phân tích các ảnh hưởng có thể xảy ra đối với các ngành xuất nhập khẩu bằng cách điều chỉnh tỷ giá tiền đồng, và chúng tôi nhận thấy việc giữ nguyên tỷ giá tiền đồng tại thời điểm này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.” NHNN cũng thông báo sẽ không giảm giá tiền đồng hơn mức 2% trong năm 2015.

HSBC cho rằng, sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước mạnh trong quý I/2015 nhưng triển vọng vẫn còn khá mong manh.

Lạm phát đứng ở mức 0,9% trong tháng 3 so cùng kỳ năm trước dù Chính phủ đã tăng giá điện lên thêm 7,5%. Ngay cả khi áp lực giá cả được kỳ vọng sẽ tăng trong nửa cuối năm 2015, theo dự đoán của HSBC, chỉ số CPI sẽ nằm trong mục tiêu dưới 5% của NHNN.

Lãi suất trên thị trường mở OMO hiện đang ở mức 5% và vẫn còn cơ hội cho NHNN giảm các mức lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Các mức lãi suất thực đang ở mức cao trong lịch sử và theo đó, lãi suất trên thị trường mở OMO giảm thêm 0,5% xuống còn 4,5%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *