HSBC: Đằng sau “cơn bão” FDI, doanh nghiệp nội sẽ thiệt thòi

FICA - HSBC cảnh báo: “Rõ ràng, tăng trưởng về đầu tư và công ăn việc làm từ phía FDI rất khả quan, nhưng nếu Việt Nam không có một chiến lược tích cực để tối đa hóa những kết nối và công nghệ của các doanh nghiệp FDI thì các ngành công nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt thòi.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo vĩ mô về Việt Nam, trong đó chỉ ra rằng, mặc dù các số liệu kinh tế trong khu vực đáng thất vọng, song chỉ số PMI ngành sản xuất (phản ánh sự cải thiện về điều kiện sản xuất) trong tháng 4 của Việt Nam lại là ngoại lệ.

Cụ thể, chỉ số này đang đi ngược xu hướng của vùng và tăng từ mức 50,7 điểm trong tháng 3 lên mức 53,5 điểm trong tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát. Tất cả các chỉ số phụ đều thể hiện cải thiện. Chỉ số chính – đơn hàng mới trừ hàng tồn kho – biểu thị sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Điều này phản ánh tính cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam tiếp tục là yếu tố thu hút luồng FDI chảy vào.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đến từ HSBC thì vấn đề lại nằm ở chỗ các doanh nghiệp đầu tư trong nước đang hoạt động không thật tốt. Những số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: xuất khẩu của các công ty này giảm 1,6% tính từ đầu năm tới nay trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt chi phí lao động rẻ của Việt Nam đưa xuất khẩu của khối ngày tăng 12,3% từ đầu năm đến nay.

Theo HSBC, công ăn việc làm và đầu tư gia tăng đều là những lợi ích có được từ FDI. Điều này giúp bù lại sự tăng trưởng trì trệ về công ăn việc làm trong khối nhà nước cũng như tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhận được hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, từ thuế cho tới cơ sở hạ tầng.

Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ là muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cải thiện sự kết nối của các công ty trong nước. Tuy nhiên, theo HSBC, hiện nay đang xuất hiện hai xu hướng đáng lo ngại, đó là các số liệu cho thấy các ngành công nghiệp trong nước đang dần suy yếu; và nhập khẩu lại bắt đầu gia tăng, đặc biệt thiên về hàng hóa tiêu dùng.

Báo cáo của HSBC cảnh báo: “Rõ ràng, tăng trưởng về đầu tư và công ăn việc làm từ phía FDI rất khả quan, nhưng nếu Việt Nam không có một chiến lược tích cực để tối đa hóa những kết nối và công nghệ của các doanh nghiệp FDI thì các ngành công nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt thòi”.

Trong khi đó, đồng VND vốn gắn liền với thương mại tăng giá đã làm giảm tính cạnh tranh về giá của các công ty trong nước; và giá cả hàng hóa yếu cũng góp phần vào tình hình.

HSBC ghi nhận, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đang cải thiện một cách vững chắc – dự báo tăng trưởng sẽ đạt mức 6,1% trong năm 2015 từ mức 6% trong năm 2014. Tuy nhiên GDP danh nghĩa đã tăng rất chậm do bị ảnh hưởng bởi áp lực giá cả trì trệ. Và theo nhận định của các chuyên gia HSBC thì GDP danh nghĩa trong năm 2015 của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 9,8% so với mức dự báo của Chính phủ là 13,8%.

Gánh nặng nợ của Việt Nam bao gồm cả tư và công nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân do tổng thu nhập Chính phủ mặc dù vẫn tăng so với năm trước nhưng đã chậm lại về mặt tỷ lệ trong tổng thể GDP. Chính phủ đang cắt giảm chi tiêu nhưng chỉ ở mức chi phí đầu tư công trong khi các khoản thanh toán lãi suất vẫn tiếp tục tăng.   

Về ngắn hạn, HSBC cho rằng, VND tăng giá đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và có cơ hội cho các nhà làm chính sách hỗ trợ tăng trưởng, hoặc bằng cách hạ lãi suất và/hoặc giảm giá tiền đồng. Điều này sẽ làm cho xuất khẩu hấp dẫn hơn trong khi giảm nhu cầu nhập khẩu, vốn đang làm tăng thâm hụt thương mại tới mức 3 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ sẽ cần phải hợp lý hóa các chi tiêu công để giảm thiểu mức thâm hụt ngân sách đang gia tăng và trong đó, việc mở rộng tầm nộp thuế có thể là một giải pháp.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *