Hơn 60.700 doanh nghiệp đóng cửa năm 2013

FICA - Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 23/12/2013, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/01/2013 cả nước có 3135 doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 12,9%; 1.401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1.329 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 42,4%.

Theo kết quả điều tra đối với 2.893 doanh nghiệp có 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.

Trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5%, còn lại là nguyên nhân khác.

Trong số 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% ngừng hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản và chờ sắp xếp lại cùng chiếm 40%, còn lại là nguyên nhân khác.

Trong tổng 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, số doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 41%, số doanh nghiệp chờ sắp xếp lại chiếm 33,3%; số doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ chiếm 10,3% và số doanh nghiệp ngừng vì lý do khác chiếm 15,4%.

Về lý do ngừng hoạt động, 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, 5,1%  trả lời do năng lực quản lý, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.

So với năm 2000, số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 01/01/2013 bằng 54,4%, giảm 2.624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần.

Thị phần cung cấp sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước cho thị trường trong nước chiếm khoảng 32,2%, trong đó thị phần của doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản là 41,9%; ngành công nghiệp và xây dựng là 30,4% và ngành dịch vụ là 30,5%.

Trong tổng số 2.893 doanh nghiệp được điều tra, có 1.347 doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa (tính đến 01/01/2013 đã có có 1142 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chiếm 84,8% và 205 doanh nghiệp đang và chưa cổ phần hóa chiếm 15,2%) và 1.546 doanh nghiệp không thuộc đối tượng cổ phần hóa mà chuyển đổi, sáp nhập hoặc chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Qua kết quả điều tra cho thấy, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của các doanh nghiệp được cổ phần hóa có xu hướng tăng so với thời điểm trước sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, cụ thể: 39,6% doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tăng trên 10%; 36,5% doanh nghiệp tăng dưới 10%; 36,5% doanh nghiệp không tăng, không giảm và 8,5% doanh nghiệp giảm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *