Hải Phòng bắt tay Vietjet mở rộng sân bay Cát Bi: "Chờ ý kiến từ các bộ"

Sau khi xem xét kiến nghị của thành phố Hải Phòng về chủ trương mở rộng cảng hàng không Cát Bi, Văn Phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, ban ngành cho ý kiến về đề xuất này và các chính sách liên quan dự án này trình Chính phủ quyết định.

Cụ thể, trong kiến nghị vào cuối tháng 12/2017, chính quyền Hải Phòng đề nghị Thủ tướng giao cho địa phương này thẩm quyền đối với dự án đầu tư, xây dựng nhà ga hành khách số 2. Trong đó, có quyền chủ trương kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hóa và các chính sách đất đai, cùng khai thác, vận hành.

Sân bay Cát Bi (Hả Phòng)
Sân bay Cát Bi (Hả Phòng)

Trước đó, trong tháng 3/2017, Hãng hàng không Vietjet đã đàm phán với Hải Phòng về xây dựng đề xuất mở rộng nhà ga thứ 2 với số vốn dự tính khoảng 6.000 tỷ đồng. Theo đó Hải Phòng sẽ giải quyết vướng mắc đất đai, chính sách, còn doanh nghiệp dự án sẽ lo vốn và tiến độ thực hiện.

Theo giải thích của Hải Phòng, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet là hãng hàng không khai thác 9 chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi từ Cát Bi; thời gian sắp tới hãng này sẽ mở rộng mạng bay, tăng tần suất đường bay hiện hữu để xây dựng Cát Bi trở thành "thủ phủ" của hãng này.

Mục tiêu xây dựng một nhà ga hành khách có công suất 8 - 10 triệu hành khách/năm, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 5,0 triệu hành khách/năm và giai đoạn 2 tiếp tục mở rộng, nâng cấp.

Được biết, Vietjet muốn đưa Cát Bi trở thành sân bay căn cứ lớn của hãng, quy mô đất sử dụng theo quy hoạch là 22 ha, trong đó nhà ga hành khách là 4ha, sân đỗ máy bay 12 ha, bãi đỗ xe ô tô và cảnh quan 3ha và giao thông nội bộ 3ha.

Tổng mức đầu tư được ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 30% là do Vietjet đảm bảo, phần còn lại đi vay từ một ngân hàng thương mại tại TP.HCM. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sớm nhất vào quý IV năm 2019 nếu được thông qua.

Lý do Hải Phòng muốn Chính phủ cho nâng cấp sân bay Cát Bi bởi hiện với công suất thiết kế của nhà ga thiết kế đạt khoảng 4 triệu hành khách/năm nhưng với số lượng hành khách khai thác đang tăng mạnh, nguy cơ quá tải là hiển hiện trước mắt.

Cụ thể, năm 2015, Cát Bi đón 1,3 triệu người, năm 2016 là 1,8 triệu hành khách và ước tính năm 2020, thì việc quá tải nhà ga sẽ xảy ra do Hải Phòng hiện có hệ thống giao thông thuận lợi khi tuyến cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng) đã được khai thác và rút ngắn thời gian từ Hà Nội xuống Hải Phòng chưa đầy 2 tiếng.

Bên cạnh đó, thời gian sắp tới khi cầu Bạch Đằng xây dựng xong, kết nối hai thành phố trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh về du lịch và thương mại sẽ yêu cầu có một sân bay đủ sức phát triển của thành phố cảng và nơi trung chuyển mới của đông bắc Đồng bằng Bắc Bộ.

An Linh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *