Giá dầu giảm: Doanh nghiệp sẽ góp thêm 22.000 tỷ đồng vào ngân sách

FICA - Chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%.

Theo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), trong quý I/2015, tăng trưởng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là quý I có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trước đó, tốc độ tăng GDP quý I giai đoạn 2010-2014 lần lượt là 5,97%; 5,9%; 4,75%; 4,76% và 5,06%.

Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý I/2015 còn cao hơn quý IV/2014 (6,62% so với 6,27%), duy trì xu hướng cải thiện từ quý IV/2012. Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.

Theo UBGSTCQG, khu vực công nghiệp và xây dựng chính là động lực cho tăng trưởng quý I với mức tăng 8,35% (cùng kỳ năm trước tăng 4,69%), cao hơn nhiều so với mức tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản (tăng 2,14%) và khu vực dịch vụ (tăng 5,82%). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo cải thiện.

Tính chung quý I/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,1% so cùng kì năm trước (cùng kì năm trước tăng 5,2%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kì năm trước tăng 7,3%).

Sản xuất cải thiện đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất khi trong 3 tháng đầu năm nhập khẩu các mặt hàng phục vụ đầu tư, mở rộng sản xuất như máy móc thiết bị và sắt thép có mức tăng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 2014.

Ủy ban cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm 2015 sẽ tích cực hơn 2014 do cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung.

Cụ thể, tổng cầu cải thiện trước hết về cầu tiêu dùng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2015 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% so cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kì 2014. Mức tiêu thụ điện trong quý I/2015 cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm ngoái, đạt mức 12,7% (cùng kì là 9,2%).

Chỉ số niềm tin tiêu dùng (ANZ) cũng tăng, từ mức 135,4 điểm trong tháng 1 lên mức 142,3 điểm trong tháng 2. Điều này cho thấy người tiêu dùng lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, cầu đầu tư cải thiện với dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kì. Tính đến 20/3/2015 tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25% (cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014).

Tình hình tín dụng cải thiện một phần do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tính đến 18/3 lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng ở mức 5,8%, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm (tổng hợp số liệu tiền gửi bình quân từ 37 ngân hàng). Trong khi đó, vốn FDI thực hiện trong quý 1/2015 cũng tăng cao hơn cùng kì (7% so với 5,6%).

Tuy nhiên, theo UBGSTCQG, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN còn chậm khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN lũy kế quý I ước đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 17,6% kế hoạch năm, thấp so với kế hoạch giải ngân bình quân 3 tháng là 24,9%.

Tổng cung cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm. Điều tra PMI của HSBC cho thấy giá cả đầu vào đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2014. Chi phí đầu vào giảm một mặt do giá hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá năng lượng, một mặt do môi trường kinh doanh được cải thiện. Hệ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 70 (năm 2013) lên 68 (2014-2015), trong đó có sự đóng góp của những tiến bộ về thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, năng suất của nền kinh tế đã có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý 1/2014.

Kinh tế tăng trưởng tốt giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến thu Ngân sách Nhà nước (NSNN). Lũy kế đến hết tháng 3/2015, mặc dù thu từ dầu thô giảm 35,9% so cùng kì (cùng kì tăng 0,3%) thu nội địa tăng 19,6% so cùng kì (cùng kì tăng 16,5%). Nhờ đó, tổng thu NSNN lũy kế quý I đạt 226 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 10,3% so với cùng kỳ 2014 (cùng kỳ tăng 15,9%).

UBGSTCQG ước tính cho cả năm 2015, giá dầu bình quân 60 USD/thùng17 sẽ trực tiếp làm thu NSNN từ dầu thô giảm 37.000 tỷ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí sản xuất, nhờ đó thu NSNN từ khu vực sản xuất, kinh doanh có thể tăng khoảng 22.000 tỷ đồng so với dự toán (UBGSTCQG).

Ngoài ra, điều chỉnh phí và thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như một số loại thuế khóa liên quan đến sử dụng xăng dầu có thể bù đắp giảm thu về dầu thô.

Với những yếu tố tích cực nêu trên, chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *