Đường nào thoát cái rốn "kém nhất khu vực"?

Năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm kém nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khiến năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam thấp và chậm cải thiện.

Để thoát khỏi cái rốn 'kém nhất khu vực', các DN đang tìm mọi cách đổi mới công nghệ và quản trị. Và đây cũng là con đường duy nhất để DN Việt gia tăng hiệu quả để cạnh tranh tốt hơn.

Nhân tố đột phá

"Chúng tôi muốn có một hệ thống quản trị đẳng cấp thế giới và có khả năng cạnh tranh sòng phẳng, ngang tầm với các đối thủ lớn cùng ngành trên thế giới về chế biến thủy sản đặc biệt là tôm", ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) chia sẻ khi DN này áp dụng một công nghệ mới giúp thay đổi hoàn toàn về mặt quản trị cũng như hiệu quả.

Theo đó, tập đoàn thủy sản này đã bỏ ra tới 5 triệu USD để mua công nghệ và áp dụng hệ thống quản trị nguồn nhân lực SAP ERP. Trong bối cảnh vẫn còn khó khăn chung của DN thủy sản, việc bỏ ra khoản chi phí như vậy không phải là câu chuyện nhỏ. Tuy nhiên, việc lớn hơn là để vận hành theo hệ thống quản trị này, từ lãnh đạo cho tới công nhân trong công ty phải thay đổi không ít thói quen làm việc lâu nay.

Theo ông Điệp, "SAP ERP sẽ giúp DN có một hệ thống quản trị vận hành đồng bộ và thống nhất trong tất cả các hoạt động giúp kiểm soát số liệu từng bộ phận dẫn đến số liệu sạch, đúng, thống nhất và cập nhật kịp thời lên hệ thống chung giúp cho ban lãnh đạo sử dụng các báo cáo quản trị thông minh để quản trị và điều hành công ty chặt chẽ, nhanh chóng và ra quyết định chính xác.

Đường nào thoát cái rốn kém nhất khu vực?

Để thoát khỏi cái rốn 'kém nhất khu vực', các DN Việt Nam đang tìm mọi cách đổi mới công nghệ và quản trị

Như vậy, thay vì chờ các báo cáo được lập và gửi thủ công mất thời gian và nhiều sai sót, hệ thống này, thông tin DN được tích hợp chặt chẽ tất cả các qui trình như hoạt động mua bán hàng, tồn kho, sản xuất, tài chính kế toán... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động kinh doanh. Thời gian cũng như công sức của nhiều bộ phận sẽ giảm mạnh. Chất lượng hàng hóa được đảm bảo kiểm soát một cách tốt nhất.

Tương tự, Cổ phần Bóng Đèn Điện Quang và Nhựa Đại Đồng Tiến đã triển khai hệ thống ERP và gặt hái được nhiều thành công.

Cùng với thay đổi quản trị, các DN còn đầu tư nghiên cứu thay đổi công nghệ. Năm 2011, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển quy tụ nhiều nhà khoa học. Đây chính là nơi giúp DN phát triển những sản phẩm mới ngày càng chất lượng hơn, hiệu suất cao hơn, phù hợp với thị hiếu và khả năng chi trả của người tiêu dùng. Nhờ đó, năng suất lao động của DN tăng vọt và kết quả thấy rõ khi RAL liên tục chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng trong nhiều năm gần đây bất chấp những khó khăn chung.

Lãnh đạo DN này chia sẻ, thành công của DN bắt nguồn từ nỗ lực liên tục đổi mới công nghệ. Hằng năm RAL dành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất... Ví dụ, chỉ riêng việc dùng công nghệ đốt điện thay cho đốt dầu... giúp giảm đáng kể chi phí, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm mới tốt hơn.

Quyết định thành bại

Vinamilk đã đưa vào vận hành và tiếp tục đầu tư nhiều siêu nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới với các robot tự vận hành và hệ thống nhà kho thông minh. Để duy trì và tăng thị phần, cạnh tranh với các hãng sữa ngoại, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc cho rằng, đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ, công thức dinh dưỡng đạt chuẩn quốc tế và cách quản lý hiện đại để tiết giảm chi phí, có giá cạnh tranh.

Không chỉ đầu tư mạnh công nghệ cho sản xuất, Vinamilk còn ứng công nghệ 3G, GPS vào bán hàng trực tuyến và quản lý hệ thống phân phối. Vài năm gần đây, nhân viên bán hàng Vinamilk được trang bị máy tính bảng để quản lý hàng tồn kho tốt nhất, tránh tình trạng sát hạn ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Cũng nhờ luôn nắm chắc được hàng hóa, số ngày lưu thông sản phẩm được rút ngắn và nhân viên bán hàng cũng đạt được doanh số cao hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Đường nào thoát cái rốn kém nhất khu vực?

Vinamilk đã đưa vào vận hành và tiếp tục đầu tư nhiều siêu nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới với các robot tự vận hành và hệ thống nhà kho thông minh

Trong khi đó, Thế Giới Di Động (MWG) thu hút nhiều quỹ đầu tư ngoại nhờ niềm tin vào công nghệ quản trị và công nghệ bán hàng rất tốt. Theo đánh giá, MWG có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai nhờ các yếu tố về quy mô lớn, chất lượng quản trị chuỗi cửa hàng... Ngoài ra, MWG cũng là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng mạnh.

Một số DN may như May 10, May Nhà Bè, Việt Tiến, Hưng Yên... trong vài năm gần đây áp dụng công nghệ Lean (sản xuất tinh gọn) vào các chuyền sản xuất của đơn vị và mang lại giá trị năng suất lao động tăng vài chục phần trăm, trăm khi tỷ lệ lỗi hàng giảm, chi phí cũng giảm theo.

Việt Nam đã từng tự hào có một nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ. Tuy nhiên, khi lợi thế nguồn nhân công giá rẻ đang mất dần thì Việt Nam lại chưa cải thiện được năng suất lao động và trình độ tay nghệ. Đây thực sự là một thách thức lớn khi công đồng kinh tế Asean cũng như các hiệp định kinh tế quốc tế có hiệu lực thì việc cạnh tranh nhân lực giá rẻ sẽ không còn lợi thế khi việc chu chuyển lao động và nguồn vốn trở nên tự do hơn.

Chia sẻ vấn đề này tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động-yếu tố tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế" mới đây,ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng, DN cần giải quyết rất nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính.

Trong đó, các chuyên gia luôn xác định, đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt. Các DN Việt hiện đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn. Và hành trình thoát khỏi rốn kém nhất khu vực đang là sự vật vã trong từng mỗi DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ sát với thực tế và tạo bình đẳng tiếp cận nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia cho các DN.

Tuy nhiên, điều quan trong nhất vẫn là từ phía các doanh nhân.Mỗi doanh nhân phải ý thức và có biện pháp để vượt qua được khó khăn, tìm được nguồn vốn và để dám đầu tư vào cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất. Và hơn hết, chính các doanh nhân phải xem đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động là đòi hỏi sống còn của doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp hóa giải được nghịch lý, người Việt thắng trong các cuộc thi tay nghề khu vực nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/5-1/10 so với lao động so với Thái Lan hay Singapore.
 
Theo Huấn Tú
VEF
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *