Dự báo tăng trưởng GDP 2019 thấp hơn 2018

Nếu hiệu quả đầu tư của nền kinh tế không thể thay đổi cơ bản thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 khó có thể cao hơn 2018, theo chuyên gia phân tích của MBS.

Kỳ vọng một năm tương đối ổn định của nền kinh tế

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán MBS trong một báo cáo vừa mới phát hành, năm 2019 vẫn được kỳ vọng là một năm tương đối ổn định của kinh tế Việt Nam mặc dù không xuất sắc như 2018. Điều này nhờ vào 3 động lực chính.

Cụ thể, khu vực tư nhân năng động và hiệu quả cao đang dần chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế (chiếm 42% tổng đầu tư toàn xã hội) trong khi khu vực nhà nước kém hiệu quả ngày càng giảm.

Sự cải thiện về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong 2018 là đáng ghi nhận với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh (cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh) sẽ là động lực cho tăng trưởng năm sau.

Chính phủ và NHNN tiếp tục kiên định quan điểm điều hành lấy ổn định làm trọng tâm. Tổng cung tín dụng được duy trì hợp lý làm giảm nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản. Trong khi đó kỷ luật tài khóa có dấu hiệu cải thiện khi tỷ lệ chi thường xuyên giảm và tỷ lệ chi đầu tư tăng.

Áp lực về cân đối vĩ mô gia tăng trong năm 2019

Tuy nhiên, theo MBS, tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến thấp hơn mức tăng của năm 2018 và đạt khoảng 6,7%. Nguyên nhân thứ nhất là do các áp lực về cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá nhiều khả năng sẽ tăng lên trong khi dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao là 130% khiến NHNN phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2019 chỉ khoảng 15% so với mức dưới 17% của năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2.036 tỷ đồng, tăng 7,7%, bằng 33% GDP, thấp hơn mức 34.1% của năm 2018.

Như vậy, nếu hiệu quả đầu tư của nền kinh tế không thể thay đổi cơ bản thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 khó có thể cao hơn 2018.

Nguyên nhân thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, tác động làm giảm triển vọng tăng trưởng của cả hai quốc gia này khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2017 đạt 41,61 tỷ USD và sang thị trường Trung Quốc đạt 16 tỷ USD cho thấy tầm quan trọng của hai quốc gia này với Kinh tế Việt Nam.

Tỷ giá của Việt Nam vẫn đang neo giữ vào USD, trong khi giá trị của USD đang tăng lên, còn giá trị đồng tiền của các quốc gia đang phát triển cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philipin đều đang giảm mạnh. Nếu so sánh với đồng tiền của các quốc gia này, mức độ giảm giá của VND so với USD sẽ thấp hơn, có nghĩa là chi phí sản xuất của Việt Nam sẽ cao hơn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh.

Áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng

Trong khi đó, áp lực lạm phát sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2019 tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không vượt quá xa mức 4%. Các nguyên chủ yếu của việc lạm phát gia tăng đến cả từ các tác nhân bên ngoài và nguyên nhân tiền tệ.

Theo phân tích của MBS, mặc dù NHNN đã chủ động giảm tăng trưởng cung tiền trong năm 2018 song mức gia tăng cung tiền trong 3 năm 2016-2018 là khá cao (quanh mức 16%) cao hơn đang kể so với mức tăng GDP danh nghĩa là từ 10 -11%. Lượng cung tiền dư tiềm ẩn trong nền kinh tế là rủi ro khiến lạm phát có thể tăng lên trong 2019.

Các mặt hàng dịch vụ công sẽ gia tăng như xăng dầu (do tăng thuế bảo vệ môi trường 1000 VNĐ/lít), y tế (tăng theo lộ trình), điện ( do đã kìm giữ không tăng trong 2017) sẽ khiến cho áp lực lạm phát gia tăng đáng kể.

Đồng USD có xu hướng tiếp tục tăng giá trên thị trường tài chính thế giới do kinh tế Mỹ khả quan và FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất để bình thường hóa chính sách. Do đó, áp lực giảm giá lên VND tiếp tục cao. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn (kim ngạch nhập khẩu 2017 là 211 tỷ USD) do đó việc VND giảm giá sẽ gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam.

Mặc dù có các yếu tố bất lợi song lạm phát nhiều khả năng vẫn trong tầm kiểm soát. Một mặt do NHNN đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát trong các năm trước nên đã chủ động thận trọng hơn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ.

MBS cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiến hành tăng lãi suất trong năm 2019 để gia tăng sự ổn định nền kinh tế vĩ mô. Mặt khác, giá một số mặt hàng tác động mạnh lên lạm phát bao gồm giá xăng dầu và giá lương thực có xu hướng hạ nhiệt mạnh vào các tháng cuối năm 2018. Đây cũng là yếu tố thuận lợi cho Việt Nam trong việc kìm chế lạm phát năm 2019.

Mai Chi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *