Doanh nghiệp nội nhập siêu gấp 4 lần trong quý I

FICA - Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Trong mức nhập siêu 2,4 tỷ USD quý I/2015 thì khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 873 triệu USD còn khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 3,27 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa theo tháng từ tháng 1/2014 đến tháng 3/2015

Theo số liệu thống kê chính thức vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 3/2015 đạt 28,08 tỷ USD, tăng 40,5% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 13,34 tỷ USD, tăng 40,3% và kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 14,74 tỷ USD, tăng 40,6%, cán cân thương mại hàng hoá đã thâm hụt 1,4 tỷ USD.

Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước quý I/2015 đạt hơn 75 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 36,3 tỷ USD, tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu là 38,7 tỷ USD, tăng mạnh 20,1%. Như vậy, mức nhập siêu trong quý I là 2,4 tỷ USD.

Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực này đạt 48,19 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 8,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 24,53 tỷ USD, tăng 18,7% và nhập khẩu là 23,66 tỷ USD, tăng 27,1%.

Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng/2015 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 1,44 tỷ USD so với 3 tháng/2014. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu là 11,77 tỷ USD, giảm 932 triệu USD.

Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể: trong 3 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI có mức thặng dư là 873 triệu USD, giảm tới 57,3%; trong khi đó, cán cân thương mại của khối các doanh nghiệp trong nước thâm hụt tới 3,27 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong quý đầu của năm 2015, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 50,19 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với châu Mỹ là 12,09 tỷ USD, tăng 21,1% so với quý I/2014; với châu Âu đạt 10,26 tỷ USD, tăng 10,8%; với châu Đại Dương là 1,38 tỷ USD, tăng 0,7% và châu Phi là 1,09 tỷ USD tăng 19,7%.

Châu Á vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong quý I/2015 với 18,07 tỷ USD; tiếp theo là Châu Mỹ với 8,94 tỷ USD; Châu Âu là 7,75 tỷ USD; Châu Đại Dương là 0,79 tỷ USD và Châu Phi là 0,75 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ các nước Châu Á đạt mức 32,12 tỷ USD chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; với Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Phi lần lượt là 3,14 tỷ USD; 2,51 tỷ USD; 0,59 tỷ USD và 0,34 tỷ USD.

Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu. Trong quý I/2015 xuất khẩu sang thị trường này đạt 7,15 tỷ USD tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014; với EU là 6,89 tỷ USD tăng 14,2%; ASEAN là 4,53 tỷ USD giảm 3,3%; Trung Quốc là 3,54 tỷ USD giảm 3,7%,…

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam trong quý I/2015 với trị giá là 11,47 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc cũng đạt mức khá cao với 5,56 tỷ USD, tăng 18% (tương đương tăng hơn 1 tỷ USD), tiếp theo là ASEAN với 5,92 tỷ USD tăng 11,7%…

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *