Dân kiệt sức: Giá vẫn tăng mà lạm phát xuống thấp

Trong khi lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, lạm phát năm 2013 là một thành tựu lớn, thị trường đã khá bình ổn thì các chuyên gia kinh tế lại khẳng định ngược lại, lạm phát không thấp, giá cả vẫn nhảy múa, còn tư duy độc quyền.

Giá biến động cho đẹp?

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, thị trường năm vừa qua khá bình ổn, cũng có thời điểm giá cả một số mặt hàng có sự biến động nhưng chỉ là “vẻ đẹp của giá trị hàng hóa”. Ví dụ như thuốc và giá dịch vụ y tế, học phí tăng cao là do thực hiện lộ trình thị trường hóa. Đặc biệt, với giá xăng dầu đã đã điều hành sát với thị trường hơn. Các đợt điều chỉnh giá, sử dụng Quỹ bình ổn đã được công bố công khai, cơ bản tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh, quản lý giá đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành như Bộ Tài chính với Bộ Y tế trong việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, với Bộ Giáo dục đào tạo với vấn đề học phí, ngoài ra đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương…

“Nhờ đó, việc điều chỉnh giá cả hàng hóa có mức độ phù hợp, không gây tác động đột biến lên CPI . Cả năm, CPI đạt 6,04%, đạt mục tiêu chính phủ đề ra", bà Nga nhấn mạnh.

{keywords}

Giá cả chưa hẳn đã thấp so với sức mua của người dân

Trong khi lãnh đạo Cục quản lý giá tự hào với sự linh hoạt điều hành của mình thì TSKH Nguyễn Thị Hiền lại tỏ ra không hài lòng.

Bà Hiền đánh giá, với xăng dầu, tình trạng không ăn khớp với biến động giá thế giới tại mỗi lần điều chỉnh giá vẫn diễn ra. Kịch bản giảm ít, tăng nhiều vẫn như trước đây.

Theo bà, có 2 đợt điều chỉnh giá khó hiểu, là đợt tăng giá ngày 28/3 và giảm nhỏ giọt hôm 18/4. Đó là ấn tượng đậm nét cho những khiếm khuyết trong điều hành giá cả xăng dầu năm 2013. Với việc các Bộ định giá như vậy, mục tiêu thị trường hóa xăng dầu ngày càng xa vời.

Bình luận của TSKH Nguyễn Thị Hiền “trúng” với bản “tự phê bình” mới đây của Bộ Công Thương khi trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Nghị định 84.

Bộ này tự phê bình rằng, cơ quan quản lý lạm dụng quỹ bình ổn, thuế, không hoàn toàn tuân thủ đúng biên độ điều chỉnh giá, không đúng với Điều 27 về nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu của Nghị định 84. Thậm chí, chính Bộ này cũng khẳng định, việc điều hành giá luôn trễ 30 ngày so với giá thế giới, nên có tình trạng giá thế giới và giá trong nước lệnh pha nhau, thậm chí ngược chiều nhau nên có thời điểm gây bức xúc trong dư luận.

TSKH Nguyễn Thị Hiền nói thẳng: “Năm 2013, giá độc quyền còn sống khỏe hơn cả các năm trước, nhưng lạ một điều là các cơ quan chức năng chống lưng cho độc quyền nhiều quá”.

Câu chuyện được vị chuyên gia kinh tế này bức xúc nhiều nhất là vụ tăng giá cước 3G với mức tăng khủng 400%, trong khi, bộ Thông tin truyền thông khẳng định tăng vậy là đúng và sẽ còn tăng lên nữa.

Giá vẫn tăng mà lạm phát thấp?

Ông Vũ Vinh Phú , Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Tp Hà Nội bình luận: “Nghe chừng có vẻ năm nay ta điều hành giá cả dễ dàng. Vì xăng dầu, điện, nước tăng như vậy mà CPI gần như chững, không tăng mấy”.

“Nhưng giá giảm thế nhưng sao sức mua lại không tăng mấy? Tổng mức bán lẻ hàng hóa, sau khi loại từ yếu tố giá, chỉ ở mức hơn 5,2- 5,5%, thấp hơn cả năm 2012”, ông Phú cho hay.

‘Ta cứ trông vào 500 mặt hàng điều tra thống kê thì không thể phản ánh được đời sống kinh tế xã hội thật sự. Bản chất CPI giảm năm nay là do 70% cầu giảm mà thôi”, ông Phú nói.

Ông Phú kể vừa rồi họp về thị trường bán lẻ, 9 vị giám đốc siêu thị đều than phiền chỉ bán được bằng năm ngoái, không ông nào nói tăng doanh thu, lợi nhuận.

“Rõ ràng, CPI thấp nhưng giá bán lẻ ngoài chợ vẫn cứ cao, có xuống đâu? Cứ đi theo 2 bà nội trợ đi chợ cóc thì mới hiểu rõ giá cả thực sự như thế nào? Các nghiên cứu phải sống với cuộc sống người dân, xem CPI diễn biến thực sự là thế nào? ” ông Phú nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, rất khó để đồng tình rằng, điều hành giá cả đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ.

Cho đến nay, ngành sữa vẫn còn râm ran chuyện bi hài hai bộ Y tế- Tài chính đổ lỗi cho nhau vụ tăng giá sữa vù vù. Vì quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng sữa của Bộ Y tế mà sữa bị đổi tên, nghiễm nhiên lọt ra khỏi danh sách bình ổn, khiến Bộ Tài chính hết quyền kiểm soát. Chuyện chỉ khép lại khi đến Thủ tướng phải can thiệp, chỉ đạo 2 Bộ phối hợp giải quyết.

Nhìn lại thị trường năm qua, ngoài vụ giá sữa, cước 3G…, dấu ấn để lại còn là vụ giá điện bí mật tăng bất ngờ ngày 1/8 và sự khó hiểu khi từ chối trả lời về giá điện một cách lạnh lùng của Thứ trưởng Bộ Công Thương tại một cuộc họp báo ngành. Cuối năm nay, giá gas cũng tăng một lúc đột biến tới 20%...

Không thiếu câu chuyện giá cả để nói rằng, người tiêu dùng không thể hài lòng với một thị trường “bình ổn” như lãnh đạo Cục Quản lý giá đánh giá.

Nhìn rộng hơn, theo như lãnh đạo Tổng Cục Thống kê, chúng ta tưởng con số CPI 6,04% là thấp vì trước đây, đã quen với các con số cao hơn rồi. CPI năm nay không phải là thấp nếu so với các nước trong khu vực. Lạm phát ở Việt Nam chưa hề ổn định và sẽ cần cẩn trọng, cảnh giác ở năm 2014.

Theo Phạm Huyền

VEF

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *