Cứu giá cho nông dân: Chưa có biện pháp nào hiệu quả hơn thu mua tạm trữ

FICA - Mặc dù có nhiều phản ánh về hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân, nhưng lãnh đạo Bộ NN&PTNT vẫn khẳng định đây là chính sách cần thiết để cứu giá cho nông dân khi giá lúa gạo xuống và chưa có giải pháp nào hiệu quả hơn.

Sau hơn 1 tuần kể từ ngày triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông xuân 2014-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lúa, gạo ở ĐBSCL chuyển biến còn chậm, nhưng giá đã tăng nhẹ.

Ở ĐBSCL đang là thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông - Xuân chính vụ (Ảnh minh họa).
Ở ĐBSCL đang là thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông - Xuân chính vụ (Ảnh minh họa).

Cục Chế biến, Thương mại, Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đến nay, tại các tỉnh, thành phố như: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… đang là thời điểm thu hoạch rộ Lúa Đông xuân chính vụ. Mặc dù lượng lúa hàng hóa khá dồi dào, nhưng giá vẫn ổn định nhờ chính sách thu mua tạm trữ.

Giá lúa tươi mua tại ruộng đã tăng so với thời điểm cuối tháng 2 khoảng 200-300 đồng/kg và đảm bảo cho nông dân có lãi từ 25 đến 30%.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: chính sách tạm trữ lúa, gạo là giải pháp tác động thị trường nhằm nâng giá lúa, gạo chứ không phải là ngân sách Nhà nước mua tạm trữ xong để trong kho.

“Tạm trữ là giải pháp can thiệp thị trường để giá lúa không giảm, và đẩy giá lúa lên, chứ đây không phải là việc Nhà nước mua để dự trữ,” Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, tạm trữ là giải pháp can thiệp thị trường nên phải làm trong một thời gian ngắn nhất định, và phải làm đồng loạt tạo nên sức mạnh thị trường, chứ không thể chia chỉ tiêu tạm trữ theo từng tỉnh. Chính phủ có chủ trương mua lúa để bỏ vào kho, nếu địa phương mà hiểu mua lúa xong để trong kho là hiểu lầm về bản chất của vấn đề.

Nguyên An

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *