CPI tháng 6 tăng cao nhất trong 7 năm qua!

“Thủ phạm” đẩy CPI tăng mạnh trong tháng 6 là giá thịt lợn “leo thang” và giá xăng dầu tăng 2,38% so với tháng trước đó. Giá điện, nước tăng trong bối cảnh nắng nóng cũng tác động tiêu cực đến diễn biến CPI.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/6) cho hay, trong tháng 6 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,61% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây của chỉ số này.

Nguồn cung thịt lợn thu hẹp đã khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trở lại

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2018 tăng 4,67% và tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,29%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm hàng tăng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%; giao thông tăng 1,04 %; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; giáo dục tăng 0,11%... Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,11%.

Nói về các nguyên nhân khiến CPI tháng 6 tăng mạnh, Tổng cục Thống kê cho biết, do giá thịt lợn đã tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại phải bỏ chuồng nên nguồn cung sản phẩm thịt lợn trên thị trường giảm, giá thịt lợn tăng 8,12% so với tháng trước làm tăng CPI chung 0,34%.

Mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 22/6/2018 (giá xăng A95 giảm 340 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 330 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 230 đồng/lít) nhưng do ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên bình quân tháng 6/2018 giá xăng dầu tăng 2,38% so với tháng trước làm tăng CPI chung 0,1%.

Trong khi đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% chủ yếu ở mặt hàng xi măng tăng trung bình 20.000đ/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,86%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,38% so với tháng trước.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, từ ngày 1/6/2018 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 18.000đ/bình 12kg tăng 5,12% so với tháng 5/2018 do giá gas thế giới bình quân tháng 6/2018 công bố ở mức 560 USD/tấn, tăng 57,5 USD/tấn so với tháng trước. Đây cũng là nguyên nhân đáng kể tác động đến CPI.

Thêm một nguyên nhân nữa đó là vào tháng 6, thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng làm cho chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,36% so với tháng trước.

Phát biểu tại Quốc hội hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá của Chính phủ cho biết: “Với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin CPI năm nay từ 3,72 - 3,94% là mức cao nhất nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra”.

Cụ thể, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá để kìm giữ giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới chỉ điều chỉnh 9,3%.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nêu ra nhiều giải pháp khác như năm 2018 sẽ không tăng giá điện, dù áp lực đầu vào tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ công do nhà nước quản lý, chẳng hạn như giá dịch vụ y tế sẽ chờ tới cuối năm nếu thuận lợi, không thì để sang năm. Chính phủ cũng chỉ đạo sửa Thông tư 37 giảm 80 loại dịch vụ y tế và tăng đấu thầu giá thuốc, vật tư y tế... để giảm giá thuốc.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *