Cổ phần hoá DNNN chậm: Xuất phát từ vấn đề lợi ích

Tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm chạp đã trở thành mối quan tâm chính của các đối tác, các doanh nghiệp nước ngoài trong tuần qua, thông qua diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam và diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A phân tích các nguyên nhân chính.

Thưa ông, tốc độ cổ phần hoá (CPH) các DNNN đã giảm mạnh trong những năm gần đây, theo ông vì sao?

 

Tôi cho rằng quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” khiến cho việc CPH, tái cơ cấu các DNNN không bao giờ triệt để cả, chỉ làm lơ mơ thôi.

 

Thứ hai là vấn đề lợi ích. Những vị làm giám đốc hay trong hội đồng quản trị của DNNN, đồng thời đang là quan chức nhà nước không có động lực gì để ủng hộ việc CPH cả, vì điều đó chỉ gây rắc rối cho họ thôi. CPH xong thì thông tin phải minh bạch hơn, sẽ có một số cổ đông bên ngoài xen vào, ảnh hưởng đến lợi ích của ông giám đốc.

 

 
Quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” khiến cho việc CPH, tái cơ cấu các DNNN không bao giờ triệt để.

Nguyên nhân thứ ba, tôi cho là người ta vin vào, CPH chậm là do thị trường chứng khoán ảm đạm, bán ra không được giá. Người ta bảo bây giờ bán thì thiệt cho Nhà nước lắm, đó chỉ là cái cớ, người ta đùn đẩy, không làm tích cực.

 

Trong tái cơ cấu DNNN, yếu tố nào là quan trọng nhất?

 

Nếu làm thực sự thì CPH là tái cơ cấu triệt để nhất. Ở các doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần kha khá, ít ra cũng phải bán đi 25 – 30% thì CPH mới có ý nghĩa, còn bán vài phần trăm thì không có ý nghĩa gì cả. Với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cái gì thì CPH 100%, tức là Nhà nước không quản lý đồng nào nữa, bán hết, thu tiền về cho kho bạc. Đó là cách tái cơ cấu triệt để nhất, ngoài ra còn có các mức độ khác nhau, như sắp xếp người, sáp nhập, giải thể…

 

Một số chuyên gia nhận định khó bán DNNN do có số nợ lớn?

 

Tôi không đồng tình, khi bán doanh nghiệp mà có nợ thì có khi còn phải… thưởng thêm tiền. Trước kia doanh nghiệp trị giá 3 tỉ USD, bây giờ bán 500 triệu thôi, cũng phải bán chứ. Với số nợ lớn mà muốn bán với giá... kim cương thì còn lâu mới bán được.

 

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu, trong 2014 – 2015 sẽ CPH 500 doanh nghiệp?

 

Tôi băn khoăn không biết cơ sở nào để đưa ra mục tiêu đó.

 

Theo Việt Anh
SGTT

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *