Chủ tịch Quốc hội: Tình hình Biển Đông diễn biến khó lường

FICA - Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông trên tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

 
Chủ tịch Quốc hội: Xem xét tình hình Biển Đông với quyết tâm bảo vệ chủ quyền
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về tình hình Biển Đông khi phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 (ảnh: Việt Hưng).
 

Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khái quát những nội dung quan trọng Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trong kỳ họp này.

Nhấn mạnh bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường khi Quốc hội bước vào kỳ họp giữa năm 2014, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hành vi đặt giàn khoan 981 tại thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc và cho máy bay bảo vệ là đã vi phạm đặc biệt chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nhà nước hòa bình. Hành động của Trung Quốc khiến an ninh khu vực đang bị đe dọa. Trong nước, đồng bào lo lắng, kiên quyết phản đối. Cộng đồng quốc tế cũng quan tâm chia sẻ tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.

 

“Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông và cho ý kiến với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

 

Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, phần về quốc phòng an ninh, đối ngoại và trật tự xã hội cũng nêu rõ, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

 

Vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm được Phó Thủ tướng nhìn nhận như một điểm còn hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ. Phó Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, có một số người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh.

 

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt cũng được cho là chưa chủ động; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại và đối phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài. 

 

Theo chương trình làm được đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị, chiều nay, 20/5, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp hòa bình cho Việt Nam.

Nội dung báo cáo, thảo luận về nội dung này, Quốc hội sẽ họp riêng, có thể họp báo, trao đổi với báo chí sau đó.

Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình và biện pháp giải quyết một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng thời gian qua. Ủy ban Thường vụ cũng đang chờ báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trạn tổ quốc Việt Nam để nắm được tình hình dư luận nhân dân về vấn đề này.

Ngoài ra, nhiều giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội sẽ được thảo luận. Phiên thảo luận về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Kỳ họp dự kiến sẽ bế mạc trong ngày 24/6, thông qua 11 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 16 dự án luật. Phần chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được Quốc hội dành 2,5 ngày.

 

Quang Phong

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *