Cải cách thể chế 2015-2016: “Đột phá” của “đột phá”

Những khó khăn kéo dài trong 4 năm qua càng cho thấy một thực tế rằng, “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, và Việt Nam đang có một cơ hội hiếm có để tạo nên sức bật mới cho khu vực này.

Cải cách thể chế 2015-2016: “Đột phá” của “đột phá”

Một phiên thảo luận tại Quốc hội trong năm 2014. Trong thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ “trọng tâm” của “trọng tâm”, “đột phá” của “đột phá” trong tái cơ cấu kinh tế.

 

2015 là năm mà hàng loạt các đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư có hiệu lực. Đó là Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề ... 

Việc trải thảm chính sách cho doanh nghiệp cũng đánh dấu quá trình cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã đạt được những nền tảng đầu tiên, mà một trong số đó là đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân, qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Các bộ luật này đều tiếp cận theo hướng tích cực tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển, trong đó, đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp. 

Chẳng hạn như, với Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Nhà nước đã thể hiện sự tích cực thay đổi về điều kiện gia nhập thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh qua đó thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh, đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc người dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm.

Cùng với việc ban hành luật, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt quá trình cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, siết chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư; doanh nghiệp Nhà nước cũng được siết vào một trật tự mới, chặt chẽ trong quản lý và bắt buộc phải nâng cao năng lực quản trị đã được thiết lập trong khu vực này...

Tuy nhiên, chúng ta có nắm bắt được cơ hội hiếm có này của năm 2015 hay không, còn phải trông chờ rất nhiều ở chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện, để những nỗ lực cải cách cũng như các chính sách trải thảm có thể đi vào cuộc sống.

“Đột phá” của “đột phá”

Chính phủ cũng đã phát đi thông điệp rằng việc cải cách thể chế kinh tế hiện nay mới đi được những bước đi đầu tiên. 

Trong thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ “trọng tâm” của “trọng tâm”, “đột phá” của “đột phá” trong tái cơ cấu kinh tế. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc phản ánh tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp rằng, trong bối cảnh 2014 là năm kinh tế Việt Nam phải trải qua nhiều thách thức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, kiềm chế lạm phát và xây dựng thể chế. 

Dù môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhưng kinh tế vĩ mô đã dần ổn định và tăng trưởng kinh tế cũng đã có tín hiệu phát triển tích cực. 

“Đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2014 là Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như việc ban hành Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp... đã trở thành làn gió mới thúc đẩy cải cách”, ông Lộc nói.

Nhưng, theo ông, cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn bởi một số rào cản trong kinh doanh vẫn chưa được tháo bỏ triệt để. Chẳng hạn, đó là mức độ minh bạch trong việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý từ các cơ quan chính quyền còn thấp. 

Việc thực thi pháp luật tại các địa phương cũng chưa dễ dàng cho các doanh nghiệp.  Mặc dù cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến nhất định như bãi bỏ các thủ tục phiền hà, giảm chi phí nhưng mới chỉ ở một vài khâu hoặc lĩnh vực...

Cơ hội cho tất cả

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận, 2015 là năm mà mọi thành phần doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển tốt hơn trước khi cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra các thị trường mới, là nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ làm hết mình để đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. 

Phân tích thêm về cơ hội của các khu vực doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Vinh, với các doanh nghiệp FDI, họ đang coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Với doanh nghiệp trong nước, thì cơ hội phát triển chính là ở các FTA mở ra các thị trường mới, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng nông sản, may mặc... tạo nhiều việc làm hơn, đạt giá trị cao hơn, đem lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất và xã hội.

“Song, các doanh nghiệp của chúng ta có nắm bắt được cơ hội này hay không, thì lúc này, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng, phải làm sao thông tin sâu rộng đến các doanh nghiệp rằng các FTA là lợi, các doanh nghiệp phải chuẩn bị gì, Nhà nước giúp doanh nghiệp gì trong việc tiếp cận...”, ông Vinh nhấn mạnh.

Riêng về kinh tế tư nhân, ông Vinh cho rằng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Nhưng hiện nay, có một điều rất đáng lo lắng là trong khi chúng ta thực hiện chủ trương thu hẹp doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp ở một số vị trí trọng yếu trong nền kinh tế, thì chúng ta chưa có các chính sách đủ mạnh để mở bung ra cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. 

Vì vậy, cần phải tạo đủ động lực và động lực mạnh hơn nữa để mở ra thời kỳ phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân.

Kỷ nguyên của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tương đồng quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói: “Trước đây, chúng ta nói doanh nghiệp tư nhân là quan trọng, sau đó thì coi khu vực này là một động lực phát triển, gần đây bắt đầu đặt ra những tranh luận là, doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển quan trọng hay là động lực duy nhất? Tôi cho rằng, đó chỉ là sự khác nhau về cách diễn đạt, còn vai trò, vị trí quan trọng của khối doanh nghiệp tư nhân đã được chúng ta nhìn nhận hết sức đúng đắn. Bây giờ quan trọng là hệ thống luật pháp thế nào để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực này”. 

Ông Huệ nói, hiện nay, tại các diễn đàn, hội thảo, nhiều ý kiến đã nói nhiều đến việc tới đây sẽ là kỷ nguyên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với điều kiện là sử dụng công nghệ và kỹ thuật nước ngoài, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài và lao động của Việt Nam, để sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao, trước hết là thỏa mãn cho nhu cầu trong nước.

Ông cũng kể các câu chuyện ở nước láng giềng Trung Quốc, vừa rồi, 1/3 tổng số tiền kích cầu tại quốc gia này tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn ở Hàn Quốc, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khởi nghiệp và họ gọi đây là đầu tư rủi ro.

“Khi tôi gặp Bộ trưởng Giám sát tài chính của Hàn Quốc, ông này cho biết những cá nhân tham gia những chương trình này của chính phủ, nếu dự án kinh doanh đó đã làm hết trách nhiệm mà thất bại, thì được miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm kinh tế, rủi ro là Nhà nước chịu”, ông Huệ chia sẻ. “Ngoài ra, họ còn có quỹ để tài trợ cho khát vọng sáng tạo này, giống như cách mà hiện nay Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của chúng ta cũng đang làm, nhưng quỹ của Việt Nam còn hơi nhỏ, khoảng 2.000 tỷ đồng”.

 

Theo Đoàn Trần

VnEconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *