Bộ trưởng Y tế dùng Facebook để nghe ý kiến dân

FICA – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, bên cạnh các kênh báo chí, truyền thông thì lãnh đạo Bộ cũng theo dõi Facebook để khi có sai sót, vi phạm thì làm nghiêm để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Hiện Bộ đã xử lý hơn 130 cán bộ, từ đuổi việc đến cách chức…

Trao đổi tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 30/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những đổi mới về truyền thông, nhưng điểm hạn chế là dư luận vẫn chưa thấy được những thành tựu mà ngành Y qua nhiều thế hệ làm được cho đất nước, có khi những sai sót nhỏ trở thành sự kiện lớn.

Người đứng đầu Bộ Y tế nhìn nhận, ngành y là ngành rất nhạy cảm vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của 90 triệu người dân, từ lúc nằm trong bào thai đến khi nằm trong lòng dất, liên quan đến sự đau đớn, lòng trắc ẩn của con người.

Thậm chí, khi có bất cứ sự cố gì xảy ra như tai nạn giao thông, tự tử, ngộ độc, thậm chí uống rượu, hút thuốc lá, kể cả những thiên tai, thảm họa như sập cầu, sập hầm… cuối cùng cũng đến ngành Y tế.

“Đêm Giao thừa, trong khi mọi người đang quây quần đầm ấm bên gia đình thì người thầy thuốc vẫn giành giật sự sống cho người bệnh… Trong khi tai biến y khoa rình rập mọi nơi mọi lúc, đó là sự nghiệt ngã của tạo hóa mà trình độ y học chưa thể đạt được tuyệt đối. Ngay cả tại Mỹ, nơi có nền y học hiện đại nhất, một năm cũng có 170.000 người chết do tai biến y khoa. Đó là những khó khăn của ngành. Thi vào học ngành Y đòi hỏi rất khó, học rất lâu, khi ra trường phải có thề lời thề Hippocrates” – Bộ trưởng Tiến trải lòng.

Cũng theo khẳng định của Bộ trưởng, Việt Nam là 1 trong 10 nước đạt nhiều thành tựu về giảm tử vong mẹ, tử vong con, về chống suy dinh dưỡng, về tuổi thọ… Tỷ lệ tử vong mẹ của Việt Nam thấp hơn Indonesia, Philippines… dù họ phát triển kinh tế hơn.

“Nhiều thành tựu y học chúng ta không kém thế giới, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người nghèo được Nhà nước chi trả 100% chi phí mua BHYT. Nhiều đoàn khách quốc tế cũng không hình dung là chúng ta có thể làm được việc đó. Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, vừa rồi có đoàn báo chí Liên Hợp quốc thăm và làm việc tại Điện Biên nói Việt Nam còn nhiều thách thức nhưng các nước muốn phát triển về y tế cơ sở thì phải đến Việt Nam.” – người đứng đầu ngành y tế cho hay.

Bà cũng chia sẻ, điều thấm thía nhất của lãnh đạo Bộ Y tế cho đến nay là phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí.

Bên cạnh việc thường xuyên cung cấp thông tin, qua họp báo hoặc giao lưu trực tuyến qua các đơn vị như Cổng TTĐT Chính phủ, hoặc qua các chương trình, sự kiện… Bộ trưởng Tiến cho hay, lãnh đạo Bộ Y tế còn lắng nghe ý kiến trên mạng, qua Facebook để khi có sai sót, vi phạm thì làm nghiêm để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thời gian gần đây, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 10.000 ý kiến, trong đó hơn một nửa là có địa chỉ, qua đó đã xử lý hơn 130 cán bộ, từ đuổi việc đến cách chức… Trang web và 2 tờ báo của Bộ cũng cung cấp thông tin nhiều hơn. 

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *