Bộ trưởng Vinh “trăn trở với khối doanh nghiệp tư nhân”

FICA - Các doanh nghiệp FDI chiếm 68% tổng giá trị xuất khẩu, một tỷ lệ khá cao thể hiện sự thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng là vấn đề về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế là cần thiết để bắt kịp kinh tế thế giới

Tại buổi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 13/01/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua rất nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Năm 2005 khi hai Luật này được ban hành được coi là bước đột phá, tạo ra làn sóng thành lập doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và thúc đẩy đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, sau gần chục năm thực hiện, hai Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong điều kiện phát triển mới của đất nước cũng như nền kinh tế thế giới, do vậy việc sửa đổi là một nhu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà còn của các doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai sửa đổi hai Luật nhằm hướng đến sự thông thoáng, minh bạch nhất trong đầu tư kinh doanh, sao cho chi phí doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhỏ nhất, tạo thuận lợi cho hội nhập quốc tế, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng tình, đánh giá cao.

Luật được xây dựng trên nền tảng thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Qua đó, Bộ trưởng tin tưởng với sự thống nhất xuyên suốt của Luật và các nghị định, chính sách hướng dẫn thi hành, việc thực thi hai đạo Luật vào tháng 7/2015 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư kinh doanh mới.

Đánh giá về sự tác động của yếu tổ đổi mới đối với tình hình kinh tế - xã hội 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế là yếu tố cần thiết để Việt Nam bắt kịp nền kinh tế thế giới.

Công cuộc đổi mới Việt Nam đã kéo dài gần 30 năm (từ 1986) chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Nghị quyết 10-NQ/TW năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo đói trở thành nước xuất khẩu gạo, cũng như việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại những hiệu quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam là minh chứng cho hiệu quả của sự đổi mới.

Ngày nay, khi Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, các động lực phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, yếu tố đổi mới có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế để tránh bẫy thu nhập trung bình, tạo ra những xung lực, động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ không còn nhiều dư địa

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng cho biết năm 2015, Việt Nam sẽ bước vào hội nhập sâu và thực tiễn hơn bằng việc tham gia hội đồng kinh tế ASEAN và thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặt Việt Nam đứng trước những thách thức và cơ hội vô cùng lớn.

Trong khi đó, các động lực phát triển theo chiều rộng như việc khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ đã không còn nhiều dư địa, đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, của các doanh nghiệp Việt Nam bằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và năng suất lao động nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, trở thành động lực phát triển mới.

Năm 2014, các doanh nghiệp FDI chiếm 68% tổng giá trị xuất khẩu, một tỷ lệ khá cao thể hiện sự thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng là vấn đề về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định nền kinh tế tự chủ và phát triển khi mọi doanh nghiệp nội địa đều mạnh mẽ, đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa công nghệ kỹ thuật cao, tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam…

Bộ trưởng Vinh cũng bày tỏ sự trăn trở lớn đối với khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa qua việc hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay sự ra đời Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới nhằm tạo nền tảng cho doanh nghiệp hình thành, xây dựng môi trường đào tạo doanh nghiệp trẻ, hỗ trợ thị trường, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ. Qua đó, Bộ trưởng kỳ vọng khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra nhiều việc làm, đủ năng lực hội nhập kinh tế thế giới, trở thành động lực phát triển quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *