Bộ trưởng Vinh: “Hạn chế doanh nghiệp FDI, kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn”

Fica - “Không một nước nào không mong muốn thu hút FDI, kể cả những nước lớn như Mỹ, Nga. Nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa thì nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Vinh nói.

Trao đổi về tình hình kinh tế, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho hay, tác động của khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn gần 70% và quá trình tăng trưởng kinh tế, nhưng tác động của FDI doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài trong đầu tư đổi mới công nghệ cho kinh tế nước ta chưa rõ nét. Đó là chưa kể tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước rất yếu theo báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ. Chưa kể sản phẩm công nghiệp trong nước còn nặng về gia công.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại cho rằng, chính sách ưu đãi để thu hút các dự án FDI là cần thiết, nhưng cần phải tính toán ở liều lượng hợp lý. Thực tế cho thấy xu hướng gia tăng ưu đãi để thu hút các dự án FDI đã hiện hữu trong nhiều năm. Đặc biệt, sau khi tiến hành phân cấp quản lý FDI, từ năm 2013 trở lại đây, khi các dự án lớn có quy mô hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam thì xu hướng ưu đãi ngày càng rõ. Các quy định mới ban hành trong năm 2014 có xu hướng ưu đãi hơn. Đặc biệt, ưu đãi không chỉ dừng ở vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, các điều kiện về vốn, mức độ công nghệ đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước khó có thể tiếp cận, tạo tâm lý không công bằng, nếu cứ tăng ưu đãi cho khu vực FDI có thể tạo thành tiền lệ và hệ lụy cho ngân sách. Nhiều dấu hiệu cho thấy có sự chuyển giá và trốn thuế ở khu vực FDI.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh: TTXVN).


Giải trình trước Quốc hội, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Không một nước nào không mong muốn thu hút FDI, kể cả những nước lớn như Mỹ, Nga. Đúng là tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam chiếm khá lớn và câu hỏi làm sao để doanh nghiệp trong nước phát triển lên là điều tất cả chúng ta đều mong muốn trả lời. Bây giờ chúng ta thử hình dung nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa thì nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Vinh nói.

Theo người đứng đầu ngành kế hoạch, một đề án của Samsung có thể giải ngân 11,3 tỷ USD và sẽ còn giải ngân tiếp trong năm nay khoảng 3 tỷ USD. Nó cũng tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, lương bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Thừa nhận thu hút FDI hiện nay có nhiều bất cập, việc chuyển giao công nghệ trước mắt có thể chưa diễn ra, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, các dự án đều tạo ra cú huých lớn về công ăn việc làm. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội là phải quan tâm phát triển doanh nghiệp trong nước.

“Các doanh nghiệp FDI làm việc với tôi, họ luôn trăn trở nói nếu doanh nghiệp của Việt Nam, không phát triển mạnh được công nghiệp phụ trợ  thì họ cảm thấy đầu tư của họ vào nước mình không hiệu quả. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta phát triển được công nghiệp phụ trợ thì khối FDI sẵn sàng hợp tác”, Bộ trưởng thông tin.

Cho rằng năng lực của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, non yếu, Bộ trưởng Vinh kỳ vọng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được cơ quan này soạn thảo có thể thông qua trong năm 2016 sẽ tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho nhóm này.

Ngoài ra, theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá tác động toàn diện hơn về công tác điều hành chỉ số CPI, do có sự chênh lệch quá lớn giữa con số dự báo và con số thực hiện, bởi công tác dự báo, điều hành CPI sẽ tác động mạnh đến kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và tâm lý xã hội, tâm lý thị trường. Điển hình như năm, 2014, kế hoạch là 7%, nhưng đến kỳ họp thứ 8, vào tháng 10, Chính phủ dự báo CPI ở mức khoảng 4,6%, đến khi kết thúc chỉ còn 1,84%.

Về con số chênh lệch này, Bộ trưởng Vinh cho hay, các quốc gia và các tổ chức quốc tế dự báo chỉ có trong vòng 1 quý, nhưng Việt Nam lập kế hoạch trước hơn 1 năm, ví dụ tháng 10 của năm trước đã thông qua Quốc hội các chỉ tiêu của năm sau. Ngoài ra, các cơ quan làm dự tính, dự báo không có điều kiện để tiếp cận thường xuyên với các quốc gia trên thế giới mà chủ yếu thông qua các hệ thống mạng Internet và làm việc với một số cơ quan.

Mấy năm nay Chính phủ vẫn đưa ra dự báo về chỉ số lạm phát ở mức khoảng từ 5-7%, Bộ trưởng Vinh cho hay, các cơ quan nghiên cứu đã tính rất nhiều, nếu chỉ số tăng giá tiêu dùng ở mức từ 5-7% là hợp lý, nền kinh tế không có gì đáng lo ngại.

“Đây là môi trường tốt nhất cho tăng trưởng của Việt Nam, chúng ta phải giữ vừa ổn định lạm phát vĩ mô, vừa phải đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế. Kết cấu nền kinh tế của chúng ta như vậy thì ở mức độ lạm phát như vậy hợp lý, ổn định. Thấp hơn nữa là tăng trưởng khó có khả năng vì chúng ta để dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng để đảm bảo cho đầu tư và để cho doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn trong vay vốn mở rộng thì chỉ số lạm phát có thể tăng lên một chút”, Bộ trưởng lý giải.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *