Bộ trưởng Tài chính: Nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây

“Có thể nói, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây. Lúc này, chúng ta cũng đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao. Đề nghị Chính phủ, địa phương thận trọng hơn khi đề xuất vay cũng như cần tăng cường hơn việc quản lý hiệu quả sử dụng vốn để giảm thiểu chi phí vay”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết như trên tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 29/12.


Bộ trưởng Tài chính: Nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây.

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây.

Điểm lại tình hình năm 2017, Bộ trưởng cho biết, thu ngân sách địa phương đã vượt 12,9% dự toán, tương đương khoảng 60.000 tỷ đồng, nhưng cá biệt vẫn còn một số địa phương thu thấp, gây khó khăn cho cân đối ngân sách địa phương.

Để xử lý vấn đề thanh khoản, đảm bảo chi trả tiền lương và các chế độ chính sách cho con người trong năm 2017, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý nguồn ngân sách trung ương cho một số địa phương.

“Thời gian tới sẽ rà soát chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách miễn, giảm giá thuế trong chính sách về về kinh tế xã hội. Đẩy mạnh cải cách thuế, hải quan tạo thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết chi ngân sách đã tiếp tục theo hướng cơ cấu lại, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, thực hiện nguyên tắc thị trường như khoán chi phí, khoán xe công, từng bước chi đúng chi đủ theo giá dịch vụ…

Về nợ công, ông Dũng khẳng định, các giải pháp đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. “Có thể nói, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài chính, lúc này, chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao. Do vậy đề nghị Chính phủ, địa phương thận trọng hơn khi đề xuất vay. Đồng thời tăng cường quản lý hiệu quả sử dụng vốn để giảm thiểu chi phí vay.

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thua lỗ

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, năm qua việc đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước lại theo nguyên tắc thị trường mặc dù là nhiệm vụ quan trọng trong song việc thực hiện còn chậm, nhiệm vụ đặt ra còn rất lớn.

Cụ thể, tính đến 20/12/2017 có 43 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 212.948 tỷ, tổng vốn nhà nước thực tế 87.902 tỷ đồng, các tập đoàn thoái vốn thu về 292 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp, thu về 21.639 tỷ đồng. Riêng Sabeco bán 53,5%, thu về gần 110 nghìn tỷ đồng…

Ông Dũng cho rằng việc thoái vốn còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ, chưa có phương án giải quyết dứt điểm về tài chính nên khó tồn tại…

Về việc cải thiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn báo cáo của WB cho biết mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, trong đó chỉ số về thuận lợi thanh toán thuế có thứ hạng nhảy vọt lên vị trí thứ 86.

Sang năm 2018, ông Dũng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với hải quan tiếp tục thực hiện cải cách kiểm tra tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan để tạo thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế.

Liên quan đến kiến nghị tạm dừng Quyết định 09 về sắp xếp, quản lý nhà đất, Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ ghi nhận và báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên trước khi có chỉ đạo mới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quyết định.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *