Áp lực của Bộ trưởng: Từ giảm cước đến tăng giá điện

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu tẩy chay hãng xe không giảm cước, Bộ KH&ĐT lại cảm thấy “choáng váng” và áp lực trước kế hoạch đầu tư của địa phương…

Bộ trưởng Bộ GTVT: Tẩy chay hãng xe không giảm cước

 

Trước tình trạng có nhiều hãng xe vẫn không chịu giảm giá cước sau đợt giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM phối hợp với Sở Tài chính tổ chức kiểm tra, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp chưa giảm giá cước thì phải giảm cũng như kiểm soát chặt chẽ phí phụ thu, không thể để tình trạng nhà xe muốn phụ thu bao nhiêu cũng được. Đồng thời yêu cầu các bến xe phải công khai giá vé, số lượng vé và những doanh nghiệp chưa giảm giá để người dân biết.

 

Bộ trưởng cũng bày tỏ ý kiến: “Giá xăng dầu giảm rất nhiều mà một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ không chịu giảm giá vé. Chúng ta phải có giải pháp, phải kiểm tra để nêu đích danh tên tuổi hãng xe đó, để kêu gọi người dân tẩy chay”.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi khảo sát tình hình tại Bến xe miền Đông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi khảo sát tình hình tại Bến xe miền Đông.

 

Tại bến xe Miền Đông, ông Thăng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không để xe chở quá lượng khách quy định, tăng cường kiểm tra điều kiện kỹ thuật xe trước khi xuất bến, đặc biệt là không để xe khách chở hàng hóa quá tải trọng cho phép

 

Ngoài ra, để đảm bảo cho người dân đi lại dịp Tết thuận lợi, an toàn, ông yêu cầu bến xe tạo điều kiện để người dân đến bến xe thuận lợi, an toàn đúng với phương châm phục vụ “4 xin” là: “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn” và “4 luôn”: “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ”.

 

Bên cạnh đó, bến xe cần sớm áp dụng việc bán vé điện tử trong năm tới để tránh tình trạng ùn ứ, người dân không mua được vé.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Choáng váng” trước kế hoạch đầu tư của tỉnh

 

Phát biểu tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết cảm thấy "choáng váng" khi tiếp cận kế hoạch sơ bộ ban đầu được trình lên. "Có Bộ đưa lên gấp 20-30 lần khả năng cân đối cho Bộ đó. Các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần", Bộ trưởng nói. Ông cũng nói thêm: "Trong tay chúng ta có tất cả 35.000 tỷ đồng, riêng một Bộ đã cần đến 20.000 tỷ đồng. Trong 5 năm 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải đề nghị vốn đối ứng là 71.000 tỷ đồng. Áp lực kinh khủng."

 

Nhìn lại năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đề nghị hỗ trợ tối thiểu 20.000 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA, nhưng Bộ chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng, còn lại phải đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành trái phiếu.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết cảm thấy
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết cảm thấy "choáng váng" khi tiếp cận kế hoạch sơ bộ ban đầu được trình lên.

 

"Bản thân tôi ngồi đây trước khi ký không hiểu năm sau mình có bao nhiêu tiền. Nếu làm kế hoạch đầu tư trung hạn thì mới biết, còn không làm trung hạn thì không thể biết được. Năm nay giá dầu giảm, chắc gì đã có nhiều tiền. Năm sau tăng lên thì lại có tiền. Mỗi năm sát nút mới lại quyết định. Như vậy làm sao làm kế hoạch đầu tư được, làm sao có hiệu quả được. Năm nào ăn năm ấy, mà công trình phải mất 5-7 năm mới hoàn thành. Cách làm như thế chỉ ở Việt Nam", ông nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải chọn các dự án thật xuất sắc để đưa vào kế hoạch đầu tư, ưu tiên cho những công trình sẽ hoàn thành trong năm 2015. Và bắt đầu từ năm 2016, các bộ ngành địa phương muốn thực hiện các dự án ODA phải làm kế hoạch trước, nêu rõ hiện nay đang có bao nhiêu dự án triển khai, tổng giá trị vốn, trong đó bao nhiêu là vốn nước ngoài, bao nhiêu là vốn đối ứng, khả năng cân đối như thế nào thì mới được duyệt.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương: Tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho mọi người (?!)

 

Khi chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 2/2, người phát ngôn Bộ Công thương đã khẳng định, điều chỉnh tăng giá điện sẽ "mang lại lợi ích cho mọi người".

 

"Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất".

 

Đại diện Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, giá điện sẽ được điều hành theo lộ trình tiến gần hơn tới thị trường, như một số mặt hàng thiết yếu khác. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc giá bán hiện còn thấp hơn giá thành là không có lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân.

 

Đại diện Bộ Công thương: Tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho mọi người.
Đại diện Bộ Công thương: Tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho mọi người.

 

Ngoài việc có thêm tiền để cân bằng các khoản lỗ EVN và một số doanh nghiệp trong nước không chịu nhiều áp lực về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, với giá bán như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khối FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất và chính Nhà nước phải hỗ trợ để bù giá, ngoài những khoản lỗ của ngành điện hiện có. "Đó chính là sự hưởng lợi của các bên khi tăng giá bán lẻ điện năng", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

 

Trước mắt, đề giảm tối đa được các chi phí trong sản xuất kinh doanh, cơ quan này đã yêu cầu EVN tìm mọi phương án tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa điện năng đồng thời tập trung vấn đề quản trị doanh nghiệp.

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá điện sẽ chưa tăng. Trong tháng 3/2015, dựa trên đánh giá tình hình của EVN cũng như các vấn đề liên quan, Bộ Công thương sẽ chính thức trình phương án tăng giá lên Thủ tướng quyết định.

Theo Duy Duy

Đất Việt

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *