8 doanh nghiệp sữa sẽ thoát “án” truy thu hàng trăm tỉ đồng?

Sau khi “kêu cứu” lên Thủ tướng, các doanh nghiệp sữa có thể sẽ không bị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế với mặt hàng chất béo khan của sữa (AFM). Bộ Tài chính thừa nhận những quy định về mức thuế nhập khẩu mặt hàng trên là chưa hợp lý.

Công tác giám định khó khăn vì hai mặt hàng dễ lẫn

Ngày 26/11/2015, các doanh nghiệp sữa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính kiến nghị việc phân loại mã số, tính thuế đối với mặt hàng chất béo khan của bơ (ABF) và mặt hàng chất béo khan của sữa (AMF).

Theo các doanh nghiệp này thì hai mặt hàng trên thực chất là một và đề nghị cơ quan Hải quan sử dụng một mã số thuế với thuế suất nhập khẩu 5%.

Trong khi đó, theo quan điểm của ngành hải quan thì đây là 2 dòng hàng khác nhau với mức thuế nhập khẩu mỗi dòng riêng biệt: thuế nhập khẩu với ABF là 5% và AMF là 15%. Lãnh đạo Hải quan cho biết, số tiền truy thu khoảng 700 tỉ đồng.


(Ảnh minh họa: Lao động)

(Ảnh minh họa: Lao động)

Tuy nhiên, theo Bộ tài chính thì cơ quan hải quan mới chỉ làm việc và tiến hành kiểm tra sau thông quan với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng AMF và vẫn chưa ban hành quyết định ấn định thuế và thông báo truy thu thuế nhập khẩu như phản ánh của 8 doanh nghiệp.

Thực tế, Bộ Tài chính cho biết, việc xác định bản chất hàng hóa, thành phần cấu tạo, quy trình sản xuât của hai mặt hàng AMF và ABF thông qua công tác giám định khó khăn vì đây là hai mặt hàng dễ lẫn.

Nguyên nhân là do thành phần cơ bản của 2 mặt hàng này tương tự nhau, cùng là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại..., chỉ khác nhau ở chỉ số peroxide, nguyên liệu đầu vào và sử dụng phụ gia trong trong quá trình sản xuất.

Cụ thể, qua tham khảo tài liệu của FAO và ý kiến tham gia của Bộ Công thương và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, thì mặt hàng ABF và AMF gần như là giống nhau. Đây đều là các sản phẩm chất béo được sản xuất bằng cách loại bỏ hầu hết nước và chất khô không béo với hàm lượng chất béo từ 99,8% trở lên, hàm ẩm từ 0,1% trở xuống. Các yếu tố về axít béo tự do, đồng, sắt của chất béo khan của bơ và chất béo khan của sữa đều tương tự nhau.

Điểm khác nhau đó là đầu vào nguyên liệu của chất béo khan từ bơ có độ tuổi khác nhau và có thể sử dụng chất trung hòa trong khi chất béo khan của sữa có đầu vào nguyên liệu thô, tươi và không thêm chất trung hòa.

Đề xuất cho hưởng thuế suất 5%

Tại văn bản này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, các nước trên thế giới cũng có sự khác nhau trong phân định hai mặt hàng trên.

Theo đó, biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu của Mỹ, New Zealand tách riêng dòng hàng cho mặt hàng AMF và không định danh riêng dòng hàng ABF. Danh mục và biểu thuế các nước ASEAN, trong đó có Việt nam tách riêng dòng 8 chữ số cho mặt hàng ABF. Thái Lan cũng tách thành hai dòng riêng biệt cho hai mặt hàng AMF và ABF.

Trong khi đó, các nước châu Âu, Nga, Nhật Bản lại không tách riêng dòng hàng theo tên định dạng do khó phân loại mà chi tiết dòng hàng theo hàm lượng chất béo. Trung Quốc thì phân loại chung hai mặt hàng trên vào cũng một mã số.

Trước những phản ứng từ doanh nghiệp và Đại sứ quán New Zealand, Bộ Tài chính cho hay, mặt hàng AMF là nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại…, trong nước chưa sản xuất được, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 15% là cao nếu so sánh với mặt hàng ABF (5%) và các sản phẩm khác cùng là nguvên liệu đầu vào của sản xuất, trong nước chưa sản xuất được (ví dụ dầu bơ hiện có mức thuế 5%).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những vướng mắc trên xuất phát từ chính sách, quy định về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng AMF chưa hợp lý, thiếu tính minh bạch. Các sản phẩm có cùng thành phần cấu tạo, cùng công dụng, được sử dụng thay thế cho nhau lại có mức thuế nhập khẩu khác nhau.

“Mức thuế 15% cho mặt hàng nguyên liệu sản xuất là cao và bất hợp lý so với sản phẩm sữa nhập khẩu (mức thuế nhập khẩu từ 5% đến 7%), sữa chua nhập khẩu (thuế nhập khẩu là 10%)”, Bộ Tài chính đánh giá.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của doanh nghiệp, đã được cơ quan hải quan chấp nhận để thông quan.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho biết “đã sửa đổi mức thuế nhập khẩu ư đãi 5% đối với cả hai mặt hàng AMF và ABF, áp dụng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016 ban hành kèm theo thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015”.

Vấn đề này sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *