7 doanh nghiệp ô tô “nội” xin thêm ưu đãi

7 doanh nghiệp ô tô trong nước đã cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng, Ban Kinh tế Trung ương cùng các bộ, ngành để hỗ trợ ngành ô tô trong nước.

Sản xuất ô tô tải tại Công ty ô tô Xuân Kiên. Ảnh: Internet.

Ưu tiên chưa đủ?

 

Tóm tắt kết quả sau gần 2 thập kỷ xây dựng công nghiệp ô tô Việt Nam, VAMI cho rằng: Quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhỏ bé nhưng công suất của các nhà sản xuất ô tô vẫn còn dư thừa. Mặt khác, sự hợp tác để tận dụng năng lực lẫn nhau giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước còn nhiều hạn chế, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Công nghiệp phụ trợ khó phát triển với sản lượng tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước thấp.

 

Khi đánh giá về các chính sách ưu đãi cho ngành ô tô, nhiều chuyên gia đã từng chỉ trích ngành ô tô được nhận quá nhiều ưu đãi trong khi hiệu quả thu được lại hạn chế. Tuy nhiên VAMI lại có quan điểm khác. Theo VAMI, có thể nói các chính sách đối với ngành ô tô Việt Nam tác động rất ít, thậm chí còn làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

VAMI cho rằng: Chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ mạnh và rất khó áp dụng trong thực tiễn triển khai; thiếu ổn định, nhất là chính sách về thuế…

VAMI đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng rất lớn cho cả xe tải, xe bus và xe du lịch. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập 3.000 USD/người và bước vào thời kỳ ô tô hóa – bùng nổ nhu cầu xe hơi. Nhu cầu thị trường trong nước có thể lên đến hơn 600.000 xe/năm.

 

“Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu thị trường, đặc biệt là với các loại xe đến 9 chỗ, thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu. Đến năm 2030 giảm khoảng 5-12 tỉ USD. Ngành ô tô có thể đóng góp trên 15 tỉ USD, tương đương 5% GDP.

 

Thế nhưng thách thức lại không nhỏ. Đến năm 2018, thuế suất trong Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng ô tô sẽ về 0%. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

 

Chi phí sản xuất trong nước cũng cao hơn từ 10 đến 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, giá thành ô tô cao.

 

Muốn chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn

 

Với những phân tích kể trên, VAMI đòi hỏi Chính phủ phải sớm đưa ra các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiền lược phát triển ngành ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước hết, VAMI kiến nghị giữ trần thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) trong các cam kết FTA, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong liên minh thuế quan. Riêng lộ trình ATIGA là 50% đến 2016 và có thể giảm xuống 30% năm 2017.

 

VAMI cũng muốn bãi bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt cho xe buýt nhỏ từ 16-24 chỗ do đây là phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh; miễn trừ thuế đất cho các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe khách; giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5-7%…

 

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, VAMI đề xuất cho vay dài hạn (15-20 năm) lãi suất từ 0 đến 3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu.

 

“Những doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất hàng hỗ trợ mà trước đây phải vay vốn của ngân hàng thương mại, đề nghị Nhà nước hỗ trợ chênh lệch lãi suất trong thời gian vay vốn ngân hàng thương mại so với mức lãi suất ưu đãi” – VAMI kiến nghị.

 

Cuối cùng VAMi muốn các Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các chính sách cho ngành công nghiệp ô tô trong năm 2014 để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh.

 

Các đơn vị cùng ký tên, đóng dấu vào kiến nghị của VAMI là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam; Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn; Công ty cổ phần Trường Hải Auto; Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Công ty TNHH MTV Cơ khí Z179; Trung tâm tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam.

 

Theo L.Bằng
Báo Hải Quan
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *