50% DN khó tiếp cận vốn ngân hàng

Việc xem xét cho doanh nghiệp có nợ xấu nhưng làm ăn chân chính vay vốn để phát triển kinh doanh được xem là giải pháp cần thiết.

“Mục tiêu của năm 2013 là đạt tăng trưởng cao nhưng với tình trạng ngân hàng thừa vốn nhưng không cho vay được. Doanh nghiệp (DN) cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Nút thắt ở đây chính là nợ xấu. Giải quyết được nút thắt nợ xấu là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển”. Đó là chia sẻ của TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ, tại Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18-11 tại Hà Nội.

 

Nợ xấu là nút thắt của nền kinh tế

 

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiến hành từ cuối tháng 8-2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay thì 50% DN cho biết họ khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó có tới 40% DN gặp vướng mắc về nợ xấu tại các NHTM chưa trả được. Đây cũng là rào cản lớn đối với DN trong việc tìm kiếm nguồn vốn khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế Việt Nam hiện có nhiều dấu hiệu tích cực sau hai năm khó khăn. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là trung tâm của mọi vấn đề. Nếu không giải quyết vấn đề này, đừng nói đến phục hồi DN. Bên cạnh đó, tín dụng năm nay nếu không được 12% thì khả năng phục hồi kinh tế trong các năm sau là rất khó. Nếu DN nào thực sự có thể phát triển được, đề nghị NHNN chỉ đạo cho vay.

 

50% DN cho biết họ khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Ảnh: HTD

 

“Vấn đề mấu chốt hiện nay là DN và ngân hàng đang mâu thuẫn với nhau. Một bên thừa vốn nhưng không thể cho vay, một bên thiếu vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện. Thế nên cả hai càng xa nhau, mỗi anh một bờ sông” - ông Kiêm nêu thực tế.

 

Cũng theo ông Kiêm, các NHTM nên xem xét những DN có dấu hiệu kinh doanh tốt để tạo điều kiện cho vay. Nếu DN chỉ có một vài yếu tố không quan trọng thì có thể tiến hành cho vay để giải quyết nút thắt về vốn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi trình độ và đạo đức của các cán bộ tín dụng của ngành ngân hàng.

 

Tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức nào?

 

Bên cạnh vấn đề hỗ trợ DN vay vốn, việc giải quyết nợ xấu cũng nhận được các ý kiến phân tích khác nhau.

 

Chuyên gia ngân hàng TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam đang rơi vào chu kỳ không chỉ giảm sản lượng thực tế mà giảm cả tiềm năng. Chỉ khi nào sản lượng thực tế xuống đáy và đi lên thì các biện pháp kích thích mới có hiệu quả, kinh tế năm 2014 mới sáng sủa hơn. “Nếu năm nay giải quyết tốt vấn đề nợ xấu thì tăng trưởng tín dụng của năm 2014 có thể sẽ đạt mức 14% đến 15%, đầu tư công đạt mức 31% GDP (năm nay chỉ đạt 29,4%) và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ cao hơn năm nay” - ông Nghĩa dự báo.

 

Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, điều lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam là sẽ không đi xuống nữa nhưng cũng không đi lên được mà rơi vào giai đoạn trì trệ. Trong năm 2014-2015 kinh tế Việt Nam sẽ không biến động mạnh, lạm phát không biến động nhiều. Do đó những chính sách tiền tệ áp dụng hai năm qua nêm tiếp tục duy trì. Nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng thì sẽ còn bất ổn nữa.

 

Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, “Năm 2013 không nên cố đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Tôi nghĩ 10% là hợp lý. Tín dụng của Việt Nam không chỉ là con số, vấn đề là chất lượng nữa. Ngoài xử lý nợ xấu nhưng cái chúng ta lo hơn nhiều là đừng để cho nợ xấu mới phát sinh. Không cần nhìn đâu xa, 3-6 tháng nữa, nợ xấu sẽ phình to nếu hạ chuẩn hay nới điều kiện tín dụng. Lãi suất huy động không còn dư địa để điều chỉnh”.

 

Nên làm trong sạch ngành ngân hàng

Năng lực quản lý hiện tại của các NHTM vẫn còn rất yếu. Các quan hệ sở hữu đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của các NHTM. Tình trạng lũng đoạn ngân hàng vẫn còn khá lớn, nhiều NHTM trên thực tế trở thành con tin của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Vấn đề này nếu không giải quyết nhanh chóng, quyết liệt sẽ gặp cú sốc trên con đường phục hồi. Bởi nó không chỉ ở những NHTM nhỏ mà ngay ở những NHTM tầm trung cũng bị như vậy. Vì thế ngành ngân hàng cần rốt ráo giải quyết dứt điểm để tạo ra lòng tin, sự minh bạch của thị trường.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Ban Cố vấn của Chính phủ

Tái cơ cấu cũng gặp vấn đề

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang gặp bi kịch. Thanh tra, giám sát biết hết nhưng không dám nói ra. Đây là vấn đề thời sự nổi lên trong quản trị hệ thống NHTM. Việc xảy ra trong hệ thống thời gian vừa qua đều rõ và NHNN đã biết rất rõ.

Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

 

Theo Trà Phương
PLTP

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *