"Việt Nam cần giảm phụ thuộc giao thương vào Trung Quốc"

FICA - Theo nhận định của VEPR, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ sụt giảm so với năm 2013 với kịch bản thấp là 4,15% và kịch bản cao là 4,88%.

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 đang diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: CN).Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 đang diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: CN).

Sáng nay (29/5), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế chính thức công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 với tiêu đề "Những ràng buộc đối với tăng trưởng" với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô.

 
Theo đánh giá tại báo cáo, cũng tương tự như năm 2013, năm 2014 tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất.
 
Theo đó, doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt, trong năm nay xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
 
Báo cáo của VEPR lưu ý rằng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng, đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả... nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
 
VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2014, cho thấy, triển vọng tăng trưởng GDP năm nay nhiều khả năng sẽ sụt giảm so với năm 2013 do chịu ảnh hưởng của sự kiện này.
 
Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 4,88% (theo giá cố định năm 2010).
 
Trong khi đó, lạm phát cả năm được dự báo tiếp tục hạ thấp hơn so với năm trước, tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.
 
Báo cáo chỉ ra một loạt vấn đề ngắn và trung hạn cho Việt Nam, trong đó có sự lựa chọn ưu tiên chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô. Ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.
 
Theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia, với kỳ vọng lạm phát có thể dưới 6%, thanh khoản ngân hàng dư thừa, sức ép hạ lãi suất vẫn còn mạnh, theo VEPR, cần chú ý không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiến sáng trạng thái âm.
 
VEPR cũng khuyến nghị, Chính phủ không nền kéo dài thời gian điều chỉnh bất động sản bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lạc về thị trường này. Cách tốt nhất là để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh (xuống giá).
 
Về chính sách tỷ giá, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà là một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước. 
 
Cũng theo nhóm chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ nét hơn. Việt Nam cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
 
Ngoài ra, cũng cần chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển; bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *