"Soi" cơ hội khi quan hệ kinh tế với Trung Quốc xấu đi

FICA - 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của TPHCM vào Trung Quốc đạt 839,4 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng, song lại là cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo thông tin được Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của thành phố vào Trung Quốc đạt 839,4 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,8% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của thành phố. 

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 275,8 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ.


 
Ông Khoa nhận định khi giao thương giữa TPHCM và Trung Quốc xấu đi, mức độ ảnh hưởng về xuất khẩu không lớn vì nhiều mặt hàng của doanh nghiệp thành phố không lệ thuộc cao vào thị trường này trong việc xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể chủ động chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Hầu hết các mặt hàng nguyên phụ liệu đều nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng cũng theo tính toán của Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp vẫn có khả năng nhập khẩu từ các thị trường khác có chất lượng cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông... 

Vấn đề chi phí nhập khẩu có tăng lên nhưng không quá cao. Cụ thể, đối với nguyên liệu vải phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu có thể tăng từ 10-15%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày phục vụ cho sản xuất ngành may và da giày xuất khẩu tăng từ 7-10%.

Riêng thuốc trừ sâu và nguyên liệu, có thể nhập khẩu từ thị trường Malaysia, Ấn Độ nhưng nguồn gốc hàng vẫn là Trung Quốc (vì nước này chủ yếu sản xuất mặt hàng này) nên giá nhập khẩu sẽ tăng từ 15-20%. Đây là mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất nông sản của nông dân, nên có khả năng chịu tác động theo hiệu ứng dây chuyền, tức là sẽ tăng giá thành của sản phẩm nông sản, giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Trước các tác động trên, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tại thành phố cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp mà tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn ở một thị trường.

Nguy cơ khó khăn cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực, chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế theo TPP.

Căng thẳng với Trung Quốc: Tái ông thất mã?

Đại diện các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn thành phố cũng cho rằng, việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh là cần thiết. Đây là cơ hội để các ngành hàng, mỗi doanh nghiệp tái cơ cấu lại, không phụ thuộc vào các thị trường lớn cũng như một đối tác nào. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao sức cạnh tranh thì cần sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng trong vấn đề cung ứng vốn với lãi suất hợp lý.
 
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM cho biết, doanh nghiệp nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, phụ thuộc đến 90% máy móc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa. Mặc dù vậy, theo vị đại diện này, trong khó khăn cũng có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu doanh nghiệp có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc.

Trong khi đó, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, thời gian qua doanh nghiệp lương thực thành phố đã bỏ qua nhiều cơ hội bán gạo cho nhiều nước trên thế giới. Do vậy, chính trong giai đoạn khó khăn này thì doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, trong đó vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng.

Bà Chi đề nghị Nhà nước có sự chuẩn bị trước về chính sách dự trữ gạo. Bởi nếu sản lượng sụt giảm 20-30%, nếu có tính toán trước thì giá gạo cũng không bị hạ. Bên cạnh đó, chưa bao giờ doanh nghiệp cần vai trò của Nhà nước như lúc này trong việc xúc tiến thương mại bởi doanh nghiệp không có đủ vốn xúc tiến thương mại, thời gian vừa qua chỉ toàn tự bơi, tự làm công tác xúc tiến thương mại.

Phát biểu tại buổi làm việc với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đánh giá, tình hình hiện nay đối với TPHCM không có nhiều tác động lớn. Tuy nhiên, thành phố cần có đánh giá toàn diện vì trong bối cảnh hội nhập, thị trường là thị trường toàn cầu, ít phụ thuộc vào thị trường nào cụ thể. Các công ty là công ty đa quốc gia thì không thể cấm Việt Nam xuất sang Trung Quốc hay ngược lại, nên mức độ ảnh hưởng cũng ít đối với các công ty này.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần đánh giá toàn diện về các tác động đối với TPHCM. Trong đó, cần tập trung đánh giá tác động về sản xuất, dự án, hàng tiêu dùng, đồng thời đánh giá cơ hội cho sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *