Thời sự 05/12/2018 06:13

VBF cuối kỳ 2018: Nông dân phải sẵn sàng đối mặt với nông nghiệp 4.0

Nhóm công tác nông nghiệp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF cho rằng, các nông dân cần phải sẵn sàng đối mặt với cuộc cách mạng số đang đến gần.

Một số lượng lớn nông dân ở châu Á và Việt Nam đang bắt đầu áp dụng công nghệ số.

Trình bày báo cáo của Nhóm công tác nông nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018, ông David Whitehead Trưởng nhóm cho hay, một trong những sự thay đổi quan trọng nhất là sự tăng trưởng của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong “canh tác thông minh” hay còn gọi là “Nông nghiệp 4.0”.

Theo ông David Whitehead, một số lượng lớn nông dân ở châu Á và Việt Nam đang bắt đầu áp dụng công nghệ số và các phát minh sử dụng dữ liệu.

"Để Nông nghiệp 4.0 được trở thành sự thật, chúng ta cần sự đồng lòng giữa cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng làm nông nghiệp. Trên hết, các nhà hoạch định và chính phủ cần đảm bảo rằng các cơ sở vật chất nền tảng kỹ thuật số cho băng thông dữ liệu lớn, cả về mặt bao phủ của mạng lưới và tốc độ truyền dữ liệu tại các vùng nông thôn, được hoàn tất", ông David Whitehead nói.

Bên cạnh đó, Nhóm công tác nông nghiệp cũng cho rằng, chúng ta cần các chính sách hỗ trợ từ chính phủ hướng tới sự thiếu hụt đầu tư trong nông nghiệp, đặc biệt tại những giai đoạn giá sản phẩm xuống thấp.

Cùng lúc, “người chơi” cũng cần cố gắng tạo ra một môi trường cạnh tranh, thúc đẩy sáng tạo, giúp cho việc truyền tải dữ liệu, và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh ở mọi cấp độ.

"Nông dân cần phải sẵn sàng đối mặt với cuộc cách mạng số đang đến gần. Cụ thể, với việc các nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khả năng thu thập dữ liệu về cách thức mà hạt ngũ cốc được trồng hoặc con vật nuôi được giết mổ đang trở thành một tài sản vô giá", ông David Whitehead nói.

Theo nhóm công tác, điều này sẽ giúp các nông dân cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được từ nguồn. Nỗ lực chung để kéo người làm nông lại gần nhau dưới lá cờ “Nông nghiệp 4.0”, giúp sản phẩm được bán một cách cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.

Báo cáo của Nhóm công tác nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, nhờ vào công nghệ kỹ thuật số, mọi người tại khắp mọi nơi đã quen với việc có một chiếc máy tính trong túi. Với Nông nghiệp 4.0, họ đã có thể vận hành trang trại của mình một cách tự động, bền vững và năng suất hơn, trong khi vẫn nắm hoàn toàn kiểm soát.

Theo báo cáo, hơn một phần ba dân số vẫn đang dựa vào làm nông để sinh nhai. Mặc dù các công nghệ nông nghiệp chính xác hiện đại cần sự đầu tư lớn ban đầu, nông dân tại các nước đang phát triển như ở Việt Nam đang được hưởng lợi từ công nghệ di động.

"Nông nghiệp chính xác là sự sử dụng chính xác đủ các nguyên liệu đầu vào tại thời điểm chính xác cho mùa vụ, tăng năng suất và tối ưu hóa sản lượng. Nông dân do đó sẽ được giảm bớt chi phí sử dụng nước, phân bón, thuốc diệt cỏ", ông David Whitehead nhận định.

Lợi ích thứ hai cho việc giảm thiểu nguyên liệu đầu vào, theo Nhóm công tác là ảnh hưởng đến môi trường. Sử dụng các hóa chất đúng mức đúng chỗ và đúng thời điểm giúp ích cho trồng trọt, đất và nước ngầm, và cả chuỗi thu hoạch.

"Kết quả là nông nghiệp chính xác đã trở thành cột mốc trong nông nghiệp bền vững, bởi nó tôn trọng ba yếu tố đất đai, mùa màng và người nông dân. Nông nghiệp bền vững đảm bảo nguồn cung thực phẩm liên tục trong giới hạn sinh thái, kinh tế và xã hội cần thiết để đảm bảo khả năng sản xuất bền vững trong thời gian dài", ông David Whitehead nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *