Thời sự 04/11/2013 15:22

Vàng và tham nhũng

Tham nhũng và vàng, thoạt nghe chẳng có chút gì liên hệ, nhưng nếu nhìn vào con số 51.000 lượng vàng, tương đương khoảng 2 tấn vàng liên quan tới tham nhũng, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ khác…

 

51.000 lượng vàng liên quan tới tham nhũng đã được cơ quan chức năng làm rõ trong năm 2013.

 

Tham nhũng vẫn đang được nhắc tới như là quốc nạn, là ẩn họa đối với xã hội, với nền kinh tế và rằng tham nhũng ở ta nghiêm trọng lắm. Và điều này cũng phần nào được thể hiện ở con số 43,75% doanh nghiệp cho biết, tình trạng bị nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục tại cơ quan công quyền là phổ biến; 53,7% doanh nghiệp “bật mí” đã trả chi phí không chính thức để được suôn sẻ công việc; 40,38% doanh nghiệp thừa nhận đã phải trả hoa hồng để có được hợp đồng từ cơ quan Nhà nước… Số liệu trích từ kết quả khảo sát 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”.

 

Đó là câu chuyện của tham nhũng, còn đối với vàng thì sao, lâu nay, dư luận xã hội vẫn luôn tự đặt câu hỏi, vì sao hàng chục tấn vàng đấu thầu được thực hiện từ tháng 3/2013 đến nay vẫn được thị trường “nuốt” gọn. Và rằng, bao năm nay, hàng trăm tấn vàng “chảy” vào thị trường đã đi đâu...?

 

Và khi đặt hai vấn đề này cạnh nhau và ngẫm lại nội dung báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 mới thấy, một lượng lớn vàng đã được tiêu thụ qua nẻo tham nhũng. Con số 51.000 lượng vàng, tương đương khoảng 2 tấn vàng có thể chưa phản ánh hết được thực trạng tham nhũng ở ta nhưng nó lại phần nào trả lời được câu hỏi “vàng đã đi đâu”?

 

Tham nhũng đúng là đang “hút” vàng thật! Chẳng phải cách đây không lâu, trên các phương tiện truyền thông đã ầm ầm đăng tải thông tin bà Phạm Thị Thanh Loan (kế toán trưởng Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh) và ông Trương Công Chiến, Đội trưởng Đội Đăng ký trước bạ thuộc Chi cục Thuế quận Bình Tân, TP HCM) bị trộm khoắng mất 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm có tổng giá trị 5 tỉ đồng đứng tên bà Loan...

 

Hay như vụ trộm vào nhà bà Trần Thị Xuân Lan (Trưởng phòng Tổ chức, Cục Thuế tỉnh Gia Lai) và chồng là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum cũng vậy, tài sản bị mất gồm 63 lượng vàng SJC, nữ trang, dây chuyền vàng; lắc, nhẫn đeo tay tổng cộng 15 chỉ vàng…

 

Câu hỏi đặt ra là với mức lương hiện tại thì cán bộ, công chức lấy đâu ra tiền mà có nhiều vàng, USD, nhiều tiền tiết kiệm như thế? Không tham nhũng thì họ lấy ở đâu ra?

 

Mấy năm gần đây, các chuyên gia đã đề cập tới việc hiện đang có hàng trăm tấn vàng được người dân “găm giữ” và rằng nếu nếu số vàng này được đầu tư vào nền kinh tế thì sẽ là nguồn lực quan trọng giúp phát triển kinh tế. Nhưng mọi nỗ lực nhằm đưa số vàng này ra khỏi tủ két của người dân đều bất thành. Nhiều ý kiến cho rằng vì người dân vẫn coi vàng là thứ tài sản dự trữ an toàn nhất…

 

Ngẫm chuyện tham nhũng “hút” vàng mới thấy, nói dân giữ vàng có phần hơi oan bởi người dân lấy đâu tiền mà găm được nhiều vàng thế. Nếu là dân kinh doanh, chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ chấp nhận mua vàng, cất vào két cả. Còn nếu là cán bộ, công nhân viên chức bình thường thì với đồng thu nhập ở mức trung bình khá, đủ sống như hiện nay, họ sẽ tích lũy được bao nhiêu. Vậy vàng đang được ai găm giữ? Nông dân chăng? Không, cả năm làm ruộng, giỏi lắm họ cũng chỉ thu được 1 chỉ vàng là cùng, mà như vậy ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra mà găm vàng? Vậy nên, nghĩ đi nghĩ lại mới thấy, người giữ vàng nhiều nhất có khi lại chính là quan tham chứ chẳng phải dân.

 

Và vì là quan tham nên khi Ngân hàng Nhà nước kêu huy động vàng, kêu gọi vốn từ vàng vào nền kinh tế, chẳng mấy ai lên tiếng. Họ có vàng nhưng ai lại đi “vạch áo cho người xem lưng”. Họ sẽ im lặng và giấu nhẹm đi. Và chỉ khi trộm vào nhà, lục lọi và lấy đi vài ba chục lượng vàng thì họ mới kêu, mới lộ mặt!

 

Theo Thanh Ngọc
Năng lượng mới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *