Thời sự 10/03/2018 08:21

Từ TPP đến CPTPP: Donald Trump rút lui và lời đáp trả không thể đảo ngược

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - “phiên bản mới” của TPP chính thức được 11 nước ký kết tại Chile hôm 8/3, sau khi tưởng chừng đã đổ vỡ do Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP vào đầu 2017. Nhưng sự nỗ lực của Việt Nam cùng 10 thành viên khác đã đem đến một cái kết có hậu cho hiệp định quan trọng này.

CPTPP và dấu ấn của nước chủ nhà APEC 2017

 

CPTPP đã chính thức được 11 nước ký kết tại Chile vào hôm qua 8/3/2018. Để đi đến cái kết này là một quá trình đầy cam go và căng thẳng đến phút cuối cùng. Việc Mỹ quyết định không tham gia TPP vào tháng 1/2017 là “cú sốc” cực mạnh vào hiệp định này. TPP không có Mỹ tưởng rằng sẽ mất đi nhiều ý nghĩa và làm nhiều quốc gia nản lòng.

Tuy nhiên, với sự thúc đẩy của các quốc gia còn lại như Nhật Bản, Australia và cả Việt Nam, CPTPP dần thành hình.

 

Còn nhớ, bên lề tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp từ ngày 8-10/11/2017 để thảo luận về việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới.

 

Các cuộc họp được tường thuật là “căng như dây đàn” và hồi hộp đến phút cuối với các diễn biến bất ngờ khi Canada tỏ ý “chưa hài lòng” với nhiều điều khoản của TPP 11.

TPP,CPTPP,hiệp định thương mại,hiệp định TPP
11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)

Song, những âu lo nhanh chóng qua đi. Ngày 11/11, các bộ trưởng đã đi đến thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Đồng thời, các bên ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng “giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP” nhưng cho phép các nước thành viên “tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ” để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Không lâu sau đó, CPTPP đã được 11 nước thành viên đặt bút ký kết vào 8/3/2018.

 

Nỗ lực của 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã chứng minh một điều: hợp tác - kết nối là điều không thể trì hoãn trong một thế giới ngày càng phẳng. Chủ nghĩa bảo hộ cực đoan dù đang nổi lên từng ngày cũng không thể cưỡng lại xu thế đó.

 

Trước khi CPTPP được ký kết, chính quyền Mỹ đã “bóng gió” về khả năng Mỹ quay trở lại TPP. Một tín hiệu cho thấy sức hút của TPP trước đây và phiên bản mới CPTPP hiện tại.

 

Tổng thống Chile - Michelle Bachelet - trong lễ ký cũng phát biểu rằng: “Hôm nay, chúng ta có thể tự hào kết luận rằng quá trình này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, rằng việc hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo ra cơ hội và thịnh vượng”.

 

Việt Nam được - mất gì trong CPTPP?

 

Thiếu Mỹ, CPTPP chắc chắn không mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên như “TPP có Mỹ”. Nhưng, như điều TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia chia sẻ với PV.VietNamNet, Việt Nam vẫn hưởng lợi đáng kể từ hiệp định CPTPP.

 

TS Trần Toàn Thắng cho rằng: Khi TPP còn có Mỹ, các phân tích cho thấy Việt Nam được hưởng lợi rất tích cực như GDP tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ con số này giảm đi rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là không nên tham gia.

TPP,CPTPP,hiệp định thương mại,hiệp định TPP

Quốc kỳ 11 thành viên CPTPP

Tuy nhiên kể cả khi con số lợi ích mang lại cho kinh tế Việt Nam rất ít thì việc tham gia TPP11 cũng là điều đáng cân nhắc. Nếu không tham gia có tiêu cực không?

 

“Câu trả lời là có”, TS Trần Toàn Thắng khẳng định. “Khi các nước tập trung buôn bán với nhau trong TPP thì sẽ giảm buôn bán với Việt Nam. Đó là việc đương nhiên. Trong khi đó, Việt Nam bị mất cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại”.

 

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%.

 

Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD/năm.

 

Một khảo sát trên 1.150 doanh nghiệp, do HSBC thực hiện, cho thấy, khoảng 2/3 (63%) các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ; gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.

 

Tất nhiên, giống như nhiều hiệp định khác, CPTPP không phải chỉ có màu hồng. Trước khi lên đường sang Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã liên tục giãi bày về những thách thức CPTPP mang đến cho Việt Nam.

 

Theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn hội nhập những năm trước đây đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.

 

“Ví dụ, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày,... đã có tăng trưởng đột biến nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác”, ông Trần Tuấn Anh dẫn chứng.

 

Vị Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, điều này cho thấy những tác động rất nhiều chiều và có cả tác động tiêu cực, nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội.

 

TPP bắt đầu được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Quá trình đàm phán đã được hoàn tất vào tháng 10/2015.

Đến tháng 11/2015, toàn văn Hiệp định đã được tất cả các nước thành viên đồng loạt công bố.

TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP quyết định cho ra đời CPTPP.

Tháng 3/2018 CPTPP chính thức được ký kết với 11 nền kinh tế tham gia gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.

Theo Hà Duy

Vietnamnet

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *