Thời sự 04/12/2018 13:09

Trung Quốc siết nhập, trái cây Việt rớt giá thảm

Nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam vào mùa thu hoạch nhưng do phía Trung Quốc siết nhập nên rơi vào tình cảnh rớt giá sâu.

Cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa đưa ra cảnh báo, những ngày gần đây, sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch, tuy nhiên đang gặp khó khăn về đầu ra do chưa được phép xuất khẩu (XK) chính thức vào Trung Quốc. Việc Trung Quốc ngưng thông quan những container sầu riêng từ Việt Nam đã khiến giá thu mua loại quả này rớt mạnh.

Trung Quốc bất ngờ siết nhập trái cây, hoa quả Việt gặp khó dịp cuối năm

Được biết, tại Tiền Giang, nếu các năm trước, giá 60.000-70.000 đồng/kg, nay giảm một nữa. Không riêng Sầu Riêng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều mặt hàng trái cây cũng đang rơi vào tình trạng mất giá.

Cụ thể, tháng 11/2018 là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, với điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua loại bưởi 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) có giá 32.000 đồng/kg - 35.000 đồng/kg, loại 2 giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.

Bưởi da xanh giảm giá là do nhiều nguyên nhân như bưởi trái không đạt, thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp.

Bên cạnh đó, giá cam sành tại Đồng bằng Sông Cửu Long liên tiếp sụt giảm. Hiện giá cam sành tại đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm là do hiện nay vào thời điểm thu hoạch trái cam sành, trong khi rất ít thương lái tìm mua. Hơn nữa, vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn một năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cảnh báo, với những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017.

Do nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi... với năng suất cao nên giá nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục giảm.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc một công ty xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc cho hay sau khi tham dự hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc mới đây, ông nhận thấy Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản rất lớn. Tuy nhiên, nông sản Việt muốn phát triển ở Trung Quốc, chúng ta phải phải xây dựng, tiếp thị sản phẩm Việt Nam nhiều hơn.

Tiếp thị sản phẩm qua con đường du lịch như các hãng hàng không đãi khách bằng sản phẩm nông sản Việt Nam; chương trình quốc gia mỗi tháng giới thiệu một sản phẩm nông sản giúp tăng khí thế sản xuất, sản phẩm nông sản Việt Nam được mọi người biết đến nhiều hơn. Đồng thời, xây dựng chuẩn chất cho từng mặt hàng, giúp giảm rủi ro cho nông sản Việt.

Theo ông Võ Quan Huy, cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại tại Trung Quốc phải cảnh báo cho được quốc gia này đã chủ động được các loại nông sản nào, mùa vụ cũng như yêu cầu sản phẩm thế nào, những loại sản phẩm nào của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ như Trung Quốc trồng được thanh long, thanh long Việt Nam có thể bị dội chợ không và nên trồng vào thời điểm nào là hợp lý. Có như vậy mới tránh được tình cảnh nông sản Việt ồn ứ ở biên giới.

Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH&ĐT), cho rằng không riêng Việt Nam gặp phải tình trạng "được mùa mất giá", vừa qua những quốc gia như Pháp, Đức cũng xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm như sữa. Tuy nhiên, họ khác chúng ta ở chỗ tình trạng này chỉ "năm thì mười họa" mới xảy ra và chỉ một số sản phẩm gặp phải. Trong khi đó, tại Việt Nam, vấn đề của thị trường cho nông sản luôn được đặt ra qua nhiều năm nhưng mất giá thường xuyên xảy ra như "cơm bữa", không trừ ngành hàng nào.

Do vậy, Nhà nước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như ai đang trồng cà phê, trồng bao nhiêu diện tích, quy trình nào. Qua đó khuyến cáo người nông dân rằng vụ này chỉ nên sản xuất từng này sản lượng.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *