Thời sự 24/12/2017 09:44

Tính tăng thuế nước ngọt, Bộ Tài chính bị phản đối gay gắt

Dự thảo chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với mặt hàng nước giải khát của Bộ Tài chính đang dấy lên những tranh cãi từ phía một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành. Họ cho rằng mức thuế là quá cao và không phải một thực tiễn phổ biến trên thế giới.


Nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản ứng về dự thảo chính sách mới về thuế với nước ngọt của Bộ Tài chính

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản ứng về dự thảo chính sách mới về thuế với nước ngọt của Bộ Tài chính

Theo Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam (BRNGK), trong những năm qua, ngành đã đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 50.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực kinh doanh này không ngừng chịu sức ép và cú sốc.

Gần đây nhất hồi giữa tháng 8, Bộ Tài chính công bố dự thảo đề cương xây dựng luật sửa đổi bổ sung một số điều của một số sắc thuế trong đó có tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT). Trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nước giải khát có đường là 10%, còn thuế VAT là 12%.

Hiệp hội BRNGK cho rằng, mức thuế áp như vậy là quá cao, nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Từ đó, kéo theo các hệ lụy khó lường như thu ngân sách giảm do doanh nghiệp chịu tác động từ thuế tăng dẫn đến lợi nhuận giảm; đồng thời có thể ảnh hưởng đến lạm phát và tác động đến người tiêu dùng, bởi nước ngọt là mặt hàng phổ thông có sức tiêu thụ lớn.

Một trong những lý do Bộ Tài chính đưa ra các mức thuế cao là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể là giảm hoặc ngăn chặn bệnh béo phì và tiểu đường. Hiệp hội cho rằng lý do này chưa khẳng định ở bất cứ quốc gia nào.

"Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy, các quốc gia đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục. Cụ thể Thái Lan, suốt 30 năm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thì tỷ lệ người thừa cân béo phì ở độ tuổi từ 5 đến 19 vẫn tăng từ 3,1% năm 2000 lên 11,3% vào năm 2016. Con số này cũng xảy ra tương tự với một số quốc gia khác trong khu vực", Hiệp hội này dẫn chứng.

Cũng theo Hiệp hội BRNGK , thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt hiện không phải là thực tiễn phổ biến trên thế giới cũng như khu vực. Số lượng quốc gia áp dụng dòng thuế này chỉ chiếm khoảng 25% tổng số các quốc gia trên thế giới. Chưa kể, việc áp thuế chỉ với đồ uống có đường sẽ khiến luật mang tính phân biệt đối xử bởi trong nhiều loại thực phẩn đồ uống có rất nhiều sản phẩm có đường.

Từ những lý lẽ kể trên, Hiệp hội này đề xuất xem lại đề xuất áp thuế một cách thấu đáo, đánh giá kỹ những ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn ngành nói riêng, đời sống kinh tế xã hội nói chung…

Ngoài Hiệp hội BRNGK Việt Nam thì Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết sẽ có kiến nghị Bộ Tài chính làm rõ các vấn đề cũng như cân nhắc về việc có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát hay không.

H.Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *